Ông Trần Đình Thanh và ông Ngô Quế Lâm sẽ làm người đại diện vốn Nhà nước và phụ trách bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Habeco nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Bộ Công Thương thay người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco

15/06/2018, 17:23

Ông Trần Đình Thanh và ông Ngô Quế Lâm sẽ làm người đại diện vốn Nhà nước và phụ trách bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Habeco nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Trước thềm đại hội cổ đông, Bộ Công Thương quyết định thay người đại diện vốn nhà nước tại Habeco - Ảnh: Internet

Bộ Công Thương vừa có quyết định về việc cử đại diện vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco). Theo đó, ông Trần Đình Thanh sẽ nắm 96.869.220 cổ phần (tương đương 41,79% vốn điều lệ), còn ông Ngô Quế Lâm sẽ nắm 92.720.000 cổ phần (tương đương 40% vốn điều lệ). Việc đảm nhiệm vai trò đại diện vốn Nhà nước tại Habeco của ông Thanh và ông Lâm sẽ bắt đầu từ ngày 12.6.

Bộ Công Thương yêu cầu 2 cán bộ trên phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước theo đúng quy định hiện hành của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Bộ này.

Ông Đỗ Xuân Hạ sinh ngày 9.4.1961, được Bộ Công Thương bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách Bộ phận quản lý phần vốn Nhà nước tại Habeco vào tháng 9.2015, sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT Habeco. Còn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng theo quy định hiện hành liên quan đến việc cán bộ công chức đảm nhiệm là người đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, thì ông Hạ không đủ số tháng theo quy định để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 làm Chủ tịch HĐQT Habeco.

Ông Trần Đình Thanh sinh năm 1969, có bằng tiến sĩ hóa học và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Thanh đã từng nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các công ty con của Habeco. Ông từng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội - Quảng Ninh.

Ông Ngô Quế Lâm sinh ngày 7.9.1972 tại Thái Nguyên, có nhiều năm công tác tại Habeco. Tháng 11.2006, ông Lâm gia nhập Công ty Bia Hà Nội với chức danh kỹ sư và từ tháng 8.2006 đến tháng 8.2009, ông Lâm là Phó trưởng phòng, Thường trực ban Dự án bia Vĩnh Phúc, Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội. Từ ngày 1.9.2009 đến ngày 31.7.2015, ông Lâm lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó giám đốc Thường trực nhà máy, Trưởng chi nhánh - Giám đốc Nhà máy, Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh, Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội.

Giữa tháng 8.2017, Hội đồng quản trị Habeco bất ngờ dừng quyền điều hành của ông Nguyễn Hồng Linh - Tổng giám đốc Habeco để ông này tập trung thực hiện nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ, xử lý các vấn đề liên quan giữa Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ An và Tổng công ty hợp tác kinh tế Việt Lào. Lúc này, ông Ngô Quế Lâm - Phó tổng giám đốc được Hội đồng quản trị giao thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc Habeco để thay thế ông Linh

Bộ Công Thương đang sở hữu 81,79% vốn tại Habeco. Ngoài Bộ Công Thương, đối tác ngoại là Carlsberg Breweries A/S đang sở hữu 17,34% vốn.

Bộ Công Thương hiện đang có kế hoạch thoái vốn tại Habeco. Tuy nhiên, kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp này được cho là đang gặp khó trong việc tìm nhà đầu tư chiến lược. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc thoái vốn nhà nước tại Habeco là hợp đồng đã ký kết với Carlsberg. Bởi lẽ, thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký giữa Carlsberg và Bộ Công Thương vào năm 2009 cho phép Carlsberg được quyền ưu tiên mua trước khi Habeco bán tiếp cổ phần. Như vậy, Habeco phải ưu tiên đàm phán với Carlsberg trước các đối tác khác.

"Khi chúng ta thực hiện thoái vốn thì đầu tiên phải ưu tiên cam kết giữa hai doanh nghiệp Habeco và Carlsberg, phải ưu tiên họ trước trong việc mua cổ phần của Nhà nước. Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương đã phải lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ Công Thương", ông Hải cho hay.

Trao đổi với báo giới mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương hiện đang tiến hành kiểm tra những sai phạm tại Habeco, đồng thời tiếp tục làm các thủ tục để thoái vốn tại doanh nghiệp này. Theo dự kiến, Habeco sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông giữa tháng này để thông qua loạt quyết định quan trọng, trong đó có vấn đề nhân sự.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Bộ Công Thương lý giải đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
Đại diện Bộ Công Thương vừa đưa ra lý giải về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương thay người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco