Ngày 30.11, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giáo dục

Bộ GD-ĐT cần đưa ra tiêu chí trở thành trường ĐH trọng điểm

Dạ Thảo 17:11 01/12/2023

Ngày 30.11, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần có một chương trình quốc gia với các trường ĐH trọng điểm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng giáo dục là một lĩnh vực đặc thù nên dù chỉ có hơn 240 trường ĐH nhưng nhiệm vụ quy hoạch khá khó khăn và phức tạp, có tác động khá lớn lên toàn hệ thống. Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục ĐH và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục ĐH đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.

Đặc biệt cả nước sẽ phát triển thêm 3 ĐH quốc gia trên cơ sở ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội, để cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành các ĐH thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong Top 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

son.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm

Sau năm 2030 ngành giáo dục có thể phát triển thêm một số ĐH quốc gia từ các ĐH vùng, ĐH trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống. Chính vì thế các ĐH vùng cần chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, tăng tỷ trọng đào tạo sau ĐH gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng.

ĐH vùng nằm trong trung tâm của vùng, tiểu vùng, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cho vùng; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu vùng trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm của vùng. Tới năm 2030, phát triển thêm 4 ĐH vùng trên cơ sở Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Cần Thơ, cùng với ĐH Thái Nguyên trở thành các ĐH có uy tín trong khu vực và thế giới.

Cần các điều kiện để trở thành trường trọng điểm

Nêu quan điểm của mình, bà Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng thay vì Bộ GD-ĐT liệt kê các trường vào quy hoạch trọng điểm, thì cần đưa ra những điều kiện cụ thể để trở thành trường trọng điểm và có cơ chế linh hoạt trong lựa chọn. Các đơn vị giáo dục muốn có một cơ chế công bằng để các trường ĐH khác có cơ hội trở thành trường trọng điểm, kể cả khi trường đó không nằm trong danh sách các trường trọng điểm. Điều này làm tăng sự phấn đấu, thi đua về chất lượng giáo dục ở các trường nhưng cũng không làm mất đi lợi thế cạnh tranh.

Nhiều ý kiến cho rằng khi Bộ GD-ĐT quy hoạch các trường trọng điểm thì các trường ĐH trọng điểm sẽ được bố trí ngân sách cụ thể, thậm chí là phân công các giảng viên chính để các trường tăng được sức hút. Sau đó các trường trọng điểm sẽ dẫn dắt các trường ĐH khác, hỗ trợ việc đào tạo một cách chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực tốt cho xã hội. Đặc biệt là ở các trường chuyên biệt về sức khỏe.

GS Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng Trường ĐH Dược khẳng định ngành dược học là ngành rất quan trọng, toàn quốc chỉ có duy nhất trường ĐH chuyên ngành dược. Đây còn là nơi đào tạo giảng viên cho các trường có đào tạo ngành dược. Vì vậy, đề nghị trong danh sách ĐH trọng điểm quốc gia cần bổ sung Trường ĐH Dược Hà Nội.

Đưa ra câu trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết bộ cũng muốn đầu tư vào các trường trọng điểm nhưng hiện nay nguồn lực đầu tư có hạn. Hiện nay có 30 cơ sở giáo dục đầu mối, không thể đưa tất cả vào mà tập trung những ngành học then chốt để tăng trưởng kinh tế.

"Dự kiến, tuần tới Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, nhưng mỗi lĩnh vực cũng chỉ xác định 1 - 2 cơ sở đào tạo. Nếu đưa vào nhiều sẽ không còn là trọng điểm. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu mọi ý kiến, hoàn thiện dự thảo quy hoạch này làm sao chặt chẽ mục đích, mục tiêu của các cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm, làm rõ hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí. Quy hoạch trọng điểm không phải là cái để công nhận mà xác định trọng điểm để đầu tư".

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm nhà giáo dạy thêm
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT cần đưa ra tiêu chí trở thành trường ĐH trọng điểm