Ngay sau khi có thông tin thêm 53 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017; 41 ứng viên còn lại không được công nhận do hồ sơ không đảm bảo theo quy định hoặc có đơn xin rút, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã có trao đổi, lý giải cụ thể.

Bộ GD-ĐT lý giải nguyên nhân 41 hồ sơ ứng viên GS, PGS chính thức bị loại

tintuc | 03/04/2018, 18:47

Ngay sau khi có thông tin thêm 53 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017; 41 ứng viên còn lại không được công nhận do hồ sơ không đảm bảo theo quy định hoặc có đơn xin rút, đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã có trao đổi, lý giải cụ thể.

Lý giải về nguyên nhân khiến một số hồ sơ ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) chính thức bị loại khỏi đợt xét duyệt lần này, bên cạnh một số ứng viên xin rút hồ sơ, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết:

"Trước hết phải khẳng định rằng, Đoàn kiểm tra chỉ đánh giá hồ sơ, chứ không có thẩm quyền đánh giá về chuyên môn. Từ kết quả đánh giá hồ sơ, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề như sau: Theo quy định trong hồ sơ của ứng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và có đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy; nhưng một số hồ sơ không có hợp đồng hoặc không có thanh lý hợp đồng, thậm chí hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác. Thậm chí có trường hợp làm mới hồ sơ của các năm trước mà không có căn cứ.

Cũng có ứng viên kê khai loại giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn. Mà theo quy định của pháp luật thì giáo trình chỉ được công nhận khi hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học chọn và thừa nhận lựa chọn để sử dụng.

Lại có trường hợp vi phạm quy định về thâm niên. Ví dụ, quy định về thâm niên của GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng thì giờ giảng đó là không đúng quy định của pháp luật. Từ đó đi tới kết luận không đủ giờ dạy, không đủ thâm niên".

Theo ông Bằng, Đoàn kiểm ra đã xác minh thận trọng, khách quan, cụ thể; việc áp dụng pháp luật chính xác, mang tính xây dựng theo trình tự chặt chẽ. Cụ thể:

Trước hết Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trên cơ sở hồ sơ của từng ứng viên; gửi văn bản đề nghị từng ứng viên báo cáo giải trình những vấn đề trong hồ sơ cần phải làm rõ thêm. Đồng thời gửi văn bản đề nghị cơ sở giáo dục báo cáo về việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên.

Đoàn kiểm tra cũng chia thành 6 nhóm đi đến từng cơ sở để xác minh và tiến hành làm việc trực tiếp với một số ứng viên. Có ứng viên chúng tôi mời lên Bộ, có ứng viên chúng tôi đến tận nơi trao đổi cụ thể. Các kênh thông tin đều hết sức dân chủ.

Trên cơ sở thông tin xác minh ban đầu, Đoàn kiểm tra đã báo cáo Bộ trưởng và Bộ trưởng đề nghị thường trực Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cùng với Đoàn kiểm tra làm việc cụ thể với từng Hội đồng ngành.

Khẳng định việc các ưng viên phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ trước khi có những kiểm tra sâu hơn về động cơ của việc nhiều hồ sơ ứng viên còn sai sót, ông Bằng cho biết thêm:

Nếu thanh tra thời gian dài, chúng ta phải kết luận rất kỹ càng về nguyên nhân, động cơ. Tuy nhiên, trong phạm vi kiểm tra, đoàn thanh tra nhìn đầu tiên là về sự việc khách quan của hồ sơ để kết luận. Đoàn thanh tra, chủ yếu dùng quy định "Ứng viên phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ" hoặc quy định việc xác nhận thâm niên đào tạo phải “ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, khối lượng giảng dạy…” để đánh giá chứ chưa đi sâu về đánh giá động cơ.

Có điều đáng tiếc là nhiều nhà khoa học của chúng ta chưa bám sát các quy định về thỉnh giảng đã được quy định trong Thông tư 44/2011/TT-BGDDT, chưa chú trọng việc xác lập và lưu trữ hồ sơ, thậm chí ký cả ký vào các văn bản không đúng sự thật… dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra.

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đóng góp thêm những kiến nghị về việc cải tiến quy trình cũng như thủ tục để xét phong hàm GS, PGS:

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao, Thanh tra Bộ đã hết sức nỗ lực và làm việc hết sức nghiêm túc. Điều đó thể hiện ở việc ứng viên nào đủ điều kiện thì phải bảo vệ, tạo diều kiện tối đa; ứng viên nào không bảo đảm đủ điều kiện thì mạnh dạn kiến nghị.

Qua đây, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31.12.2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27.4.2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.

Thanh tra Bộ cũng kiến nghị Bộ trưởng GD-ĐT có hình thức chấn chỉnh cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt quy định 44 về thỉnh giảng, vi phạm quy định trong việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên. Đồng thời, kiến nghị Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước có những giải pháp phù hợp rút kinh nghiệm với các Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành để việc xét công nhận tiêu chuẩn ứng viên GS, PGS chính xác hơn.

Với kết quả sau đợt rà soát, năm 2017, có 1.184 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, đạt tỷ lệ 77% (tỷ lệ này năm 2016 là 75,5%).

Bộ GD-ĐT đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31.12.2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.

TheoL.Sơn/Báo Tin tức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT lý giải nguyên nhân 41 hồ sơ ứng viên GS, PGS chính thức bị loại