Việc tuyển sinh đại học theo nhóm trường vừa có lợi cho thí sinh vừa đảm bảo quyền tự chủ cho các trường đại học.

Bộ GD-ĐT nói gì về tuyển sinh đại học theo nhóm trường?

08/04/2016, 21:50

Việc tuyển sinh đại học theo nhóm trường vừa có lợi cho thí sinh vừa đảm bảo quyền tự chủ cho các trường đại học.

Năm nay, công tác tuyển sinh đại học có điểm mới là thí sinh có thể đăng ký xét tuyển theo nhóm trường (đặt tên là nhóm GX). Cho đến nay, có 11 trường đăng ký theo nhóm trường là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ-Địa chất, Công nghiệp Hà Nội và Công nghệ Giao thông vận tải, Học viện Ngân hàng, ĐH Đà Nẵng.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) trả lời xung quanh việc tuyển sinh đại học theo nhóm trường.

- Xin ông cho biết, việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường là nhằm mục đích gì?

PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Quy chế tuyển sinh năm nay nói khá rõ về điểm khác biệt so với quy chế tuyển sinh năm 2015.

Rút kinh nghiệm từ năm trước, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 1 trường với 4 nguyện vọng thì năm nay, quy chế sửa đổi quy định mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Việc tăng số trường đăng ký có lợi cho thí sinh, giúp các em chọn ngành dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phương án mới sẽ có khó khăn trong việc xác định “thí sinh ảo” vì nhiều khả năng thí sinh trúng tuyển vào 2 trường nhưng không biết thí sinh sẽ học trường nào.

Do đó, việc tuyển sinh theo nhóm sẽ giảm được tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo vì khi đăng ký cùng 1 hệ thống có thể biết thông tin thí sinh trúng tuyển vào trường nào với nguyện vọng được xếp theo thứ tự. Phương án tuyển sinh theo nhóm không chỉ có lợi cho các trường mà còn có lợi cho thí sinh.

Thí sinh gian dối sẽ bị mất cơ hội xét tuyển

- Trước lo ngại rằng, một thí sinh có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm. Với những thí sinh “cố tình” gian lận đăng ký hết nguyện vọng trong nhóm nhưng vẫn đăng ký ở trường ngoài thì Bộ GD-ĐT phải xử lý ra sao, thưa ông?

Nếu thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm thì phần mềm của Bộ phải điều chỉnh theo. Việc kiểm soát thí sinh nộp quá quy định là làm được bằng giải pháp công nghệ thông tin. Vì vậy, thí sinh bằng nhiều con đường như đăng ký trực tiếp, qua bưu điện có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống được nếu quá nguyện vọng so với quy định.

Khi đưa ra chính sách Bộ GD-ĐT phải tính phần kỹ thuật có làm được không. Việc thành lập nhóm tuyển sinh, phần mềm của Bộ đều điều chỉnh được và khống chế được. Thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ đánh mất cơ hội xét tuyển của mình.

Theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ có hai mẫu đăng ký xét tuyển, một mẫu của Bộ GD-ĐT dùng chung có các trường, một mẫu của các trường tuyển sinh theo nhóm. Vì vậy, thí sinh không nên gian dối.

- Khi thực hiện tuyển sinh ĐH theo nhóm trường, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện những công việc cụ thể nào để giám sát công tác tuyển sinh của các trường, thưa ông?

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, các trường muốn thực hiện tuyển sinh theo nhóm bắt buộc phải làm đề án xét tuyển cũng như cam kết trách nhiệm của trường khi tham gia vào nhóm. Sau khi các trường trình Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm, Bộ GD-ĐT phải góp ý thêm cho các trường để đảm bảo đề án phải khả thi và đúng quy chế.

Trong quá trình các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thanh, kiểm tra để đảm bảo các trường phải thực hiện đúng quy chế của đề án do các trường đã cam kết thực hiện.

Không có chuyện trường tốp trên “hớt” hết thí sinh

- Thưa ông, tại sao Bộ GD-ĐT không cho phép triển khai tuyển sinh theo nhóm trên phạm vi rộng ở tất cả các trường trên toàn quốc?

Năm 2015, Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện tuyển sinh chung nên có khoảng 200 trường ĐH sử dung chung một phần mềm để xét tuyển chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều trường ĐH hoàn toàn bị động trong việc xử lý phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh. Bởi vì toàn bộ dữ liệu đăng ký tuyển sinh của các trường phải về Bộ GD-ĐT. Như vậy, việc tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH không đảm bảo, việc phân công trách nhiệm trong việc xử lý những vướng mắc của thí sinh cũng phức tạp hơn nhiều.

Chính vì lý do trên nên việc triển khai tuyển sinh theo nhóm không thực hiện rộng ra ở tất cả các trường trên toàn quốc.

- Liệu các trường thực hiện tuyển sinh theo nhóm có lấy hết thí sinh của các trường không thực hiện theo phương án này không, thưa ông?

Nếu thí sinh không trúng tuyển ở những trường tốp trên thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào những trường lấy thấp điểm hơn. Ngoài ra, những trường có thương hiệu nhưng không tham gia tuyển sinh theo nhóm có những ngành nghề uy tín được học sinh yêu thích thì vẫn thu hút được thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển.

- Xin cảm ơn ông!

Bích Lan/VOV.VN

Những lưu ý đối với thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm trường

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng một vào các trường trong nhóm theo nhiều hình thức: Đăng ký trực tuyến, gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Đặc biệt, thí sinh có thể nộp trực tiếp phiếu đăng ký xét tuyển tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.

Mẫu phiếu ĐKXT vào nhóm GX được thiết kế có một số thay đổi nhỏ so với mẫu phiếu đăng ký xét tuyển đại học chung của Bộ GD-ĐT. Mẫu phiếu này được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tất cả các trường trong nhóm GX. Đặc biệt, thí sinh có thể vừa đăng ký xét tuyển vào một trường trong nhóm GX, vừa có thể đăng ký thêm một trường bên ngoài nhóm. Trong trường hợp này, thí sinh vẫn chỉ được đăng ký tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai nguyện vọng.

Nếu đã đăng ký hai trường trong nhóm ở đợt I hoặc ba trường trong nhóm ở đợt bổ sung, thí sinh sẽ không được đăng ký thêm các trường bên ngoài nhóm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT nói gì về tuyển sinh đại học theo nhóm trường?