Bộ GD-ĐT đã đưa ra một quy trình, quy định chặt chẽ hơn về biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK.

Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế chặt chẽ hơn trong thẩm định SGK mới

Dạ Thảo | 29/10/2020, 14:34

Bộ GD-ĐT đã đưa ra một quy trình, quy định chặt chẽ hơn về biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK.

Bộ GD-ĐT cho hay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đang nghiên cứu để bổ sung các quy định liên quan đến việc ban hành SGK mới.

Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách khi hội đồng thẩm định đánh giá đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

sach-giao-khoa-moi.jpg
Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy trình ban hành sách giáo khoa mới

Theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Bộ sách "Cánh diều" khẳng định đã được nhóm tác giả báo cáo về việc dạy thực nghiệm và Hội đồng thẩm định cũng đã kiểm tra rất kỹ các thông tin như thực nghiệm bao lâu, ở trường nào, kết quả ra sao. “Việc thực nghiệm là do các tác giả và nhà xuất bản chứ không phải do Bộ GD-ĐT,” ông Chừ nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bộ sách "Cánh diều" dù đã được thực nghiệm trong trường học nhưng khi chỉ sau vài ba tuần áp dụng đại trà lại bộc lộ những hạn chế và buộc phải điều chỉnh đã cho thấy việc thực nghiệm chưa hiệu quả.

Bộ GD-ĐT khẳng định, ở kênh phản biện việc công khai bản mẫu sách giáo khoa để dư luận cùng góp ý cũng là một chủ trương được nhiều người quan tâm. Trong việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1, tất cả mọi thông tin về bản thảo sách, biên bản thẩm định... đều được giữ kín. Ngay cả sách đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định ban hành, người dân vẫn chưa được biết bản mẫu sách mà phải đợi đến tận khi sách được in bán đại trà trước thềm năm học mới.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng sau sự cố bộ sách "Cánh diều" Bộ GD-ĐT nên công bố một cách minh bạch bài bản các bản thảo trước khi đưa vào sản xuất đại trà sách cho các em học sinh. Bản thảo của các bộ sách cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của người dân, nhất là các phụ huynh, chuyên gia giáo dục, bên cạnh ý kiến đóng góp của hội đồng thẩm định, đặc biệt là với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, có 33 bản mẫu sách của đầy đủ 9 môn học lớp 2 và 43 bản mẫu sách của đầy đủ 11 môn học lớp 6 đang được thẩm định. Hội đồng thẩm định của các sách này đã hoàn thành vòng một và sẽ hoàn thành thẩm định vòng hai vào cuối tháng 10 với lớp hai và vào trung tuần tháng 11 với lớp 6. Các sách này sau khi đạt thẩm định và được Bộ GD-ĐT ký quyết định ban hành sẽ được triển khai đại trà trong các nhà trường trên cả nước bắt đầu từ năm học 2021-2022.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế chặt chẽ hơn trong thẩm định SGK mới