Tình trạng thiếu giáo viên một cách trầm trọng đặc biệt là đầu năm học mới và khi Bộ GD-ĐT bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD-ĐT trăn trở về nỗi lo thiếu 100.000 giáo viên

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 01/10/2022, 09:47

Tình trạng thiếu giáo viên một cách trầm trọng đặc biệt là đầu năm học mới và khi Bộ GD-ĐT bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cả nước thiếu tới 100.000 giáo viên

Mặc dù Bộ GD-ĐT cũng như các tỉnh thành liên tục đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn cũng như việc hứa hẹn sẽ tăng lương giáo viên, nhưng tình trạng giáo viên nghỉ việc hoặc không ứng tuyển tại các nơi vẫn còn nhiều. Một số địa phương cho biết đã gặp những khó khăn trong việc chuẩn bị đội ngũ thực hiện dạy các môn mới ở cấp tiểu học, kể cả khi các trường yêu cầu dạy 2 buổi/ngày.

Chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là phải đảm bảo 100% học sinh lớp 3 được học môn tiếng Anh và môn tin học, không để bất kỳ cơ sở giáo dục tiểu học nào vì thiếu giáo viên mà không triển khai dạy học đủ các môn học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ghi nhận tại một số trường THCS và THPT tại các huyện miền núi ở tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An... có rất nhiều giáo viên phải dạy nhiều tiết ở nhiều lớp/ngày. Thậm chí nhiều môn học đã thiếu giáo viên, phải điều chuyển một giáo viên dạy nhiều môn cho học sinh nắm được nội dung bài vở. Việc không có đủ giáo viên đứng lớp là một thách thức rất lớn để bảo đảm chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. 

Ông Nguyễn Hồng Cường - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết hiện nay tỉnh đã gửi 85 giáo viên THPT từ huyện thừa đến huyện thiếu, ngành còn điều chuyển 13 giáo viên đặc thù (dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Thể dục) từ bậc THCS sang tiểu học và 14 giáo viên từ tiểu học sang THCS ở các huyện, thị xã; biệt phái 6 giáo viên tiểu học và 31 giáo viên THCS tăng cường ở những vùng thiếu giáo viên. Và đặc biệt, lần đầu tiên, ngành thực hiện điều động biệt phái 15 giáo viên đặc thù từ bậc THCS sang THPT để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

yen-lop-mam-non-15.jpg
Nhiều trường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là các giáo viên đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới

Dù thiếu giáo viên ở các cấp học nhưng việc tuyển dụng mới không hề dễ dàng, bởi theo ý kiến của nhiều Sở GD-ĐT, các trường thiếu giáo viên dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các giáo viên ứng tuyển khi đáp ứng đủ điều kiện thì đa số các cô đều là giáo viên mới vào nghề, lương thấp nên nhiều người bỏ nghề hoặc từ chối không theo nghề sư phạm. 

Lý giải tình trạng bất cập này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nguyên nhân là hệ thống pháp luật về đội ngũ giáo viên chưa hoàn thiện, việc ban hành chính sách đối giáo viên còn thiếu tính đồng bộ và nhất quán với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Hiệu quả triển khai chính sách chưa cao do năng lực tài chính của nước ta còn hạn hẹp.

Trao đổi với báo chí khi có chuyến tiếp xúc cử tri với quận Hà Đông (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên/tổng số cần phải có 1,6 triệu giáo viên. Hiện nay ngành giáo dục đã công bố những kế hoạch tuyển giáo viên để đáp ứng một phần quan trọng đối với việc thiếu giáo viên tại các tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Bày tỏ về những nguyên nhân khách quan về việc thiếu giáo viên, ông Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Mỗi năm có 300.000 - 400.000 trẻ em được sinh ra, trong khi đó chỉ tính số giáo viên để duy trì lớp học ứng với số tăng dân số tự nhiên cũng đã là con số đáng kể. Nhưng nhiều năm qua lại không được tuyển thêm chỉ tiêu giáo viên và hằng năm còn giảm biên chế 10%.

Cùng với đó, tình trạng thừa-thiếu mang tính chất cục bộ, trong đó có một số vùng lao động tập trung về rất đông như các khu vực đô thị, ven đô, công nghiệp dẫn đến nhu cầu lớp học, giáo viên, đặc biệt giáo viên bậc mầm non, tiểu học tăng rất cao. Trong khi đó một số khu vực đồng bằng, nông thôn số học sinh giảm xuống. Một nguyên nhân nữa, theo ông Sơn là việc thực hiện chương trình phổ thông mới năm 2018, lớp học đạt chuẩn với tiểu học không vượt quá 35 cháu/lớp và THCS, THPT không quá 45 cháu/lớp. Nhưng ở Hà Nội, nhất các quận, huyện ven đô, tỷ lệ 50 - 60 học sinh/lớp là bình thường. Nếu tính theo con số này và để đạt tỷ lệ chuẩn dẫn đến thiếu giáo viên, thậm chí thiếu trầm trọng.

297553152_2622675481209579_7640238625580679512_n.jpg
Học sinh Trường tiểu học Dịch Vọng A, Q.Cầu Giấy, Hà Nội trong giờ sinh hoạt

Khắc phục tình trạng khó khăn

Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là việc tuyển giáo viên cho một số môn học mới, môn học tích hợp hoặc những môn nghệ thuật. Đây cũng là khó khăn chung của ngành giáo dục cả nước khi lượng người được đào tạo sư phạm ngành này ít, trong khi đó người học những trường đào tạo chuyên ngành về nghệ thuật muốn đi dạy lại vướng quy định về nghiệp vụ sư phạm. Việc thiếu giáo viên khiến cho nhiều trường học không thể tổ chức dạy được môn này ngay trong năm học mới.

Trước tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã triển khai các công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ. Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT cần chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ngay tại tỉnh nhà, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và tiếng Anh, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường giáo viên bậc trung học cơ sở hỗ trợ giảng dạy ở các trường tiểu học. Sở cũng bố trí giáo viên dạy liên trường và ký hợp đồng với giáo viên dạy Tin học và tiếng Anh đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì đội ngũ giáo viên hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy. "Thời gian tới Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục bồi dưỡng giáo viên của tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau, đào tạo các giáo viên mới hoặc văn bằng 2. Các trường cũng sẽ đào tạo liên thông, bồi dưỡng cho các giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cho người mới tốt nghiệp ĐH, những người muốn trở thành giáo viên để đáp ứng kịp thời nhu cầu thiếu giáo viên tại nơi đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT trăn trở về nỗi lo thiếu 100.000 giáo viên