Thông tin trên được ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) - đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) đưa ra mới đây.

Nhà máy lỗ nghìn tỉ Ethanol Dung Quất tái khởi động vào tháng 10

27/09/2018, 11:01

Thông tin trên được ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) - đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (Bio Ethanol Dung Quất) đưa ra mới đây.

Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất - Ảnh: Internet

"Hồi sinh" sau thời gian dài thua lỗ

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phát đi thông báo cho biết ngày 12.6 vừa qua, BSR-BF đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Tocontap về việc gia công sản phẩm. Thỏa thuận nêu rõ, BSR-BF là đơn vị nhận gia công sản phẩm chính là Ethanol từ nguyên liệu (sắn) do Tocontap cung cấp.

Tocontap sẽ chịu trách nhiệm nguồn nguyên liệu, tổ chức phân phối Ethanol thành phẩm. Chi phí gia công là 3.000 đồng/lít. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm. Trong hợp đồng cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng đầu tiên, phía Tocontap cam kết tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mà phía BSR-BF có thể sản xuất được.

Bên cạnh đó, Tocontap cũng tạm ứng chi phí sửa chữa nhà máy và chi phí gia công cho BSR-BF khi nhà máy hoạt động trở lại. Công tác sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy phục vụ chạy lại cơ bản đã xong, dự kiến ngày 5.10 sẽ hoàn tất. Hạng mục hồ Cigar đã cơ bản hoàn thiện. Hồ này có tác dụng tiếp nhận nước thải, lắng đục và tạp chất rồi chuyển về nơi xử lý.

Nhà máy khi khởi động lại sẽ đạt 65% công suất, sản xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm (trong 2 tuần đầu); sau đó được kiểm tra máy móc và nâng công suất. Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, BSR-BF sẽ sản xuất 7.000m3 Ethanol cho Tocontap và số lượng 35.000m3 còn lại như trong hợp đồng đã ký, sẽ sản xuất vào năm 2019.

Ông Phạm Văn Vượng nói: "Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chạy lại nhà máy, sau đó nghiệm thu nhà máy, quyết toán công trình và phương án tiếp theo mới tính tới thoái vốn".

Dính nhiều sai phạm nghiêm trọng

Thanh tra Chính phủ vào tháng 8.2017 đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất. Cụ thể, dự án này có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư, do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên PVN - đại diện vốn nhà nước của các đơn vị thành viên tại BSR-BF và chủ đầu tư BSR-BF đã thực hiện chỉ định thầu.

Nhà thầu thực hiện dự án do Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được PVN chỉ định làm tổng thầu cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) lại chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án. Do đó Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc chỉ định thầu không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu số 61/QH11.

Liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng EPC, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu PTSC đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thành 71,943 triệu USD, sau đó lại đề nghị giảm xuống còn 69,152 triệu USD.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, hợp đồng EPC cuối cùng đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, tăng 7,823 triệu USD, trong đó 3,245 triệu USD tăng chưa có cơ sở.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỉ đồng, tăng 631 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, giá mua sắn nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg, nhưng tại thời điểm thanh tra đã tăng lên khoảng 4.446 đồng/kg, tăng 170% so với thời điểm lập dự án. Như vậy từ chỗ chi phí nguyên liệu chỉ chiếm 58% giá thành sản phẩm khi lập dự án, cuối cùng đã chiếm khoảng 65% giá thành sản phẩm dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Gánh nợ, thua lỗ kéo dài

Dự án Ethanol Dung Quất, chủ đầu tư là Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung; cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10.2014 gồm Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn: 599 tỉ đồng, chiếm 61%; PV Oil: 380 tỉ đồng, chiếm 38,75%; Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco): 2,45 tỉ đồng, chiếm 0,25%. Dự án Ethanol Dung Quất được khởi công xây dựng năm 2009 và tới năm 2014 thì cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, nhà máy này vào hoạt động gần như là thua lỗ do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng và buộc phải "đóng cửa" từ tháng 4.2015.

Năm 2016, dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại PVCombank, Vietcombank và OceanBank tương đương 1.000 tỉ đồng. Chỉ riêng tại Quảng Ngãi, mỗi năm doanh nghiệp phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn khoảng 70 tỉ đồng (lãi suất ưu đãi doanh nghiệp đầu tư 7% mỗi năm). Khoản vay này đã bị chuyển sang nợ nhóm có nguy cơ mất vốn trong quý 4/2015, do chủ đầu tư không còn nguồn thanh toán.

Trong khi đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết tính đến năm 2014, nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất lỗ khoảng 164 tỉ đồng.

Bộ Công Thương cũng cho biết với dự án Nhà máy Ethanol Dung Quất, Bộ đề xuất lựa chọn phương án chuyển nhượng/thoái vốn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phương án, cần phải thực hiện các công việc tính toán khởi động lại nhà máy; xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán dự án đầu tư xây dựng nhà máy; thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu sinh học thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà máy lỗ nghìn tỉ Ethanol Dung Quất tái khởi động vào tháng 10