Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Bộ GTVT trình dự thảo nghị định quản chặt Uber, Grab

Trí Lâm | 09/01/2018, 14:32

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Sau 2 năm thí điểm hợp đồng điện tử, Bộ GTVT cho rằng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, cần thiết có quy định cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và du lịch.

Theo Bộ GTVT, hiện cả nước có 4 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hoà, Quảng Ninh với 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Bộ này cũng nêu ra một số ví dụ như Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH Grab Taxi chưa phối hợp tốt với các sở giao thông vận tải; Nhu cầu của hành khách tăng dẫn đến phương tiện tăng nhanh, khiến khó quản lý tổ chức giao thông; chưa có chế tài xử lý đối với đối tượng cung cấp phần mềm như Uber, Grab…

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong đó có ngành nghề phù hợp để hoạt động về thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận: Ứng dụng đã hoàn thành thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Phải đăng ký với Bộ GTVT trước khi cung ứng dịch vụ các nội dung gồm: địa chỉ trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam; người đại diện theo pháp luật; số điện thoại giao dịch; số tài khoản giao dịch tại ngân hàng có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh tại Việt Nam; địa chỉ trang web hoặc ứng dụng truy cập vào phần mềm…

Bên cạnh đó, phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; không được cung cấp dịch vụ cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải.

Đồng thời, phải quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc quản lý điều hành phương tiện, lái xe, giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại (nếu có) của hành khách và thực hiện chi trả các khoản thuế, phí; các điều khoản dừng cung cấp dịch vụ khi vi phạm.

Về nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp này được yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính theo quy định. Theo đó buộc phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi về Tổng cục Thuế.

Dự thảo cũng quy định các xe như Uber, Grab… sẽ phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình và cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để niêm yết theo quy định.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử phải ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó quy định rõ trách nhiệm giữa các bên về bồi thường khiếu nại và các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Cùng với đó là phối hợp tổ chức tập huấn cho lái xe để nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp thông tin về chuyến đi như thời gian, lộ trình, giá cước cho khách hàng cũng như số điện thoại đường dây nóng để giải quyết khiếu nại, phản ánh góp ý; phải gửi hóa đơn điện tử tới khách hàng và Tổng cục Thuế theo quy định.

Trước đó, theo quan điểm của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp như Uber, Grab chính là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách nhưng các quy định lại chưa xác định điều này. Do đó, các công ty Uber, Grab coi mình như doanh nghiệp cung cấp phần mềm và không phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.

Uber, Grab cũng không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp này và dịch vụ truyền thống khác như taxi, xe ôm.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp thí điểm là doanh nghiệp ở nước ngoài thì việc cho phép hoạt động không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO (Việt Nam không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới), gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước. Cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Grab, Uber chính là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc cung cấp, quản lý các ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Uber, Grab hiện nay phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng góp ý cần nghiên cứu các biện pháp đảm bảo hoạt động bình đẳng giữa loại hình dịch vụ này với dịch vụ vận tải truyền thống. Trong đó, cần đánh giá để tính đến việc dỡ bỏ, giảm thiểu các rào cản hoạt động của các loại hình dịch vụ truyền thống (biện pháp cấm đường).

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT trình dự thảo nghị định quản chặt Uber, Grab