Bộ GTVT vừa thông tin về phương án quy hoạch tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn (1.435mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ GTVT: Trung Quốc viện trợ khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

26/11/2019, 10:42

Bộ GTVT vừa thông tin về phương án quy hoạch tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn (1.435mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ GTVT muốn làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: Cafeland

Bộ GTVT cho biết, trên hành lang đông - tây, bên cạnh tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu được xây dựng từ thời Pháp thuộc có khổ đường 1.000mm kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu, tại Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 còn định hướng phát triển tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi khổ 1.435mm điện khí hóa.

Bộ GTVT cho rằng đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, căn cứ chiến lược và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002, tuyến đường sắt mới này cần được nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết theo quy định tại Điều 15, Luật Đường sắt năm 2005 (nay là Điều 7, Luật Đường sắt năm 2017) làm cơ sở dành quỹ đất và tạo tiền đề triển khai các bước tiếp theo (nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án đầu tư, thực hiện dự án…) nhằm nâng cao chất lượng vận tải trên hành lang đông - tây, góp phần quan trọng trong việc giao lưu quốc tế, khai thác có hiệu quả, phát huy thế mạnh của cảng biển khu vực Hải Phòng.

Năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng. Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương để xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga trên tuyến làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai. Sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu quy hoạch chi tiết, Bộ GTVT sẽ rà soát trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24.11.2017.

Căn cứ quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT cho biết sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật. Với quy mô đầu tư lớn, dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau này sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ và khả năng huy động vốn; đồng thời, lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Trước đó, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn mới đây đã có buổi làm việc với UBND TP. Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100.000 tỉ đồng.

Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Trên tuyến có 73 cầu lớn, với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn là 160 km/h.

Tại địa phận Hưng Yên, tuyến đường sắt sẽ có lộ trình qua huyện Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào, chiều dài tuyến 19,4km. Điểm đầu là Km280+000 thuộc xã Lạc Đạo và điểm cuối là Km299+400 thuộc xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào. Dự kiến, sẽ có 2 nhà ga trên lộ trình qua tỉnh Hưng Yên.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhất trí với phương án của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh một số vị trí, hướng tuyến để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

Tại Hải Phòng, tuyến đường sắt đi qua thành phố có điểm đầu tại xã Quang Trung (huyện An Lão), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải) với chiều dài tuyến khoảng 50,3km, có 3 ga trung gian và 1 ga nhường tránh.

Cơ bản thống nhất với hướng tuyến đề xuất, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho rằng, tuyến đường sắt này không chỉ đơn thuần vận chuyển hàng hóa mà còn phục vụ vận chuyển cả hành khách, nên việc lựa chọn hướng tuyến phải đáp ứng các yêu cầu trên, bảo đảm kết nối một cách thuận tiện, hợp lý, đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.

Còn tại Hải Dương, theo quy hoạch đoạn qua tỉnh có chiều dài gần 39km, qua các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà. Theo thiết kế có 3 ga gồm 2 ga trung gian ở huyện Bình Giang, thành phố Hải Dương và 1 ga nhường tránh ở huyện Thanh Hà.

Tại Yên Bái, tuyến đường sắt qua tỉnh sẽ có lộ trình qua các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái; chiều dài tuyến khoảng trên 76km. Dự kiến, sẽ có 6 nhà ga với diện tích đất sử dụng khoảng 30ha; trong đó có 2 ga trung gian và 4 ga nhường tránh.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT: Trung Quốc viện trợ khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng