TP.HCM đang gấp rút hình thành bộ máy chính quyền TP Thủ Đức. Thành phố cũng đang bố trí, sắp xếp lại nhân sự để TP Thủ Đức được vận hành từ ngày 1.3.2021.

Bộ máy chính quyền và nhân sự dự kiến của TP Thủ Đức

Phan Diệu | 27/12/2020, 12:54

TP.HCM đang gấp rút hình thành bộ máy chính quyền TP Thủ Đức. Thành phố cũng đang bố trí, sắp xếp lại nhân sự để TP Thủ Đức được vận hành từ ngày 1.3.2021.

Bộ máy chính quyền TP Thủ Đức đang dần hình thành

Sau khi Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM, trong đó có đề án thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, ngày 31.12, UBND TP.HCM sẽ công bố nghị quyết về việc thành lập TP Thủ Đức. Vì vậy, chính quyền TP.HCM đang khẩn trương, nỗ lực sắp xếp, tổ chức bộ máy sau khi TP Thủ Đức hình thành nhằm nhanh chóng đưa đề án đi vào thực tiễn.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nói rằng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, trong 60 ngày thành phố phải hình thành bộ máy chính quyền mới. Tuy nhiên, ngày 23.5.2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nên trong tháng 1.2021, TP.HCM phải hình thành bộ máy chính quyền TP Thủ Đức. Đây là công việc rất khó và thành phố phải cố gắng để hoàn tất.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết theo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, TP Thủ Đức là một cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND, khác với 16 quận khác chỉ có UBND.

Về bộ máy chính quyền, TP Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức, với quy mô dân số trên 1 triệu dân). Vì vậy, TP.HCM đề xuất Trung ương xem xét số lượng Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức được phép không quá 4 người.

Ngoài ra, Nghị định 108 năm 2020 của Chính phủ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận có 10 cơ quan chuyên môn cấp phòng. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định tổ chức chính quyền đô thị, TP.HCM đề xuất cơ quan Trung ương xem xét TP Thủ Đức không quá 13 phòng, số lượng cấp phó phòng không quá 3 người (quy định chỉ có 2 người).

Theo ông Phong, TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học - công nghệ của TP.HCM nên cần thiết có thêm Phòng Khoa học - Công nghệ.

tp-thu-duc-tuong-lai.jpg
TP Thủ Đức sẽ có phòng Khoa học - Công nghệ

Ông Phong cũng cho biết quy định hiện nay cho phép chậm nhất là 5 năm kể từ ngày sắp xếp thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định. Tuy nhiên, TP.HCM sẽ cố gắng hoàn thiện vào năm 2022.

Việc xây dựng đề án thành lập TP Thủ Đức đã được TP.HCM làm thận trọng và bài bản. Mục tiêu trong tương lai là hình thành hệ sinh thái sáng tạo, đô thị thông minh đòi hỏi hình thái tương thích “thành phố trong thành phố”. TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% – 35% GRDP của TP.HCM, tương đương đóng góp 7% GDP quốc gia. TP Thủ Đức sẽ chính thức vận hành vào 1.3.2021.

Sắp xếp, bố trí lại nhân sự cho bộ máy mới

Liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn của TP Thủ Đức, tại buổi làm việc với quận Thủ Đức diễn ra chiều 26.12, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết sẽ sáp nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn của quận 2, quận 9 và Thủ Đức.

Sở Nội vụ ch biết TP Thủ Đức sẽ có diện tích 211,56 km2, dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường. Sau khi sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của TP được giao năm 2020 là 1.221 người, số có mặt đến ngày 30.6.2020 là 1.127 người. Trong đó, thành phố bố trí ở TP Thủ Đức 822 người, số người dôi dư sau sắp xếp là 399 người.

Về tổ chức bộ máy, năm 2021, TP Thủ Đức có 128 biên chế công chức và hợp đồng lao động (sau năm 2025 giảm còn 92 người) tại các cơ quan Đảng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP Thủ Đức với 112 biên chế công chức có chức danh lãnh đạo, sau năm 2025 giảm còn 76 người. Trong khi đó, UBND TP Thủ Đức có 657 biên chế công chức và hợp đồng lao động năm 2021 (sau năm 2025 giảm còn 459 người).

tru-so-quan-2.jpg
Trụ sở UBND quận 2 dự kiến sẽ là nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức

Theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thành lập TP Thủ Đức sẽ giải thể Tòa án nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để thành lập Tòa án nhân dân TP Thủ Đức.

Viện Kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũng bị giải thể để thành lập Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức sẽ kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Đối với trụ sở các cơ quan sau khi sáp nhập, TP Thủ Đức tạm thời sử dụng hệ thống cơ sở vật chất hiện có chứ không xây mới. Trong đó, Sở Nội vụ đề xuất chọn trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) là nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức. Trụ sở UBND quận 9 (số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9) sẽ là trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP Thủ Đức. Trụ sở UBND quận Thủ Đức (số 43 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức) sẽ là trụ sở HĐND và UBND TP Thủ Đức.

Bài liên quan
TP.HCM quy hoạch TP.Thủ Đức tương lai như thế nào?
Theo quy hoạch, 10% diện tích TP.Thủ Đức sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ máy chính quyền và nhân sự dự kiến của TP Thủ Đức