Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP Thủ Đức là trung tâm khoa học, ứng dụng công nghệ cao, nên cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ, và có nghị định riêng về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.
Ngày 24.12, Bộ Nội vụ phối hợp UBND TP.HCM tổ chức phiên họp (lần 2) ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sau cuộc họp ngày 19.12, Bộ đã khẩn trương tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Theo đó, nghị định có 8 chương, 46 điều với nhiều nội dung. Trong đó là các nội dung về tổ chức và hoạt động của UBND quận, chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận; tổ chức và hoạt động của UBND phường, chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND phường; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố thuộc TP.HCM.
Bên cạnh đó là nội dung về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND quận và UBND phường; lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác và điều khoản thi hành.
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết dự kiến ngày 31.12.2020, TP.HCM sẽ tổ chức lễ công bố nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Về số lượng Phó chủ tịch thành phố Thủ Đức, dự thảo quy định không quá 4 người. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố Thủ Đức có không quá 13 phòng, gồm 10 phòng theo nghị định số 108/2020/NĐ-CP và 3 cơ quan khác.
Ông Phong còn nói rằng dựa trên tình hình thực tiễn TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao, nên vai trò của Khoa học – Công nghệ rất quan trọng và cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ.
“Riêng về nội dung cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng”, ông Phong nói và cho rằng khi chưa có thể triển khai chính sách đặc thù thì sẽ vận dụng những điều kiện tốt nhất giúp thành phố Thủ Đức phát triển.
Đáng chú ý, trong văn bản góp ý Bộ Nội vụ, UBND TP.HCM cũng đề nghị bổ sung 1 khoản vào điều 27. Đó là UBND phường và các đơn vị sử dụng ngân sách thành phố thuộc TP.HCM lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách năm 2020 và những tháng năm 2021 (khi còn là đơn vị thuộc 3 quận 2, 9 và Thủ Đức), báo cáo Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố thuộc TP.HCM để xét duyệt, thẩm định và tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách, báo cáo UBND TP thuộc TP.HCM.
UBND TP thuộc TP.HCM lập quyết toán ngân sách địa phương trình HĐND cùng cấp phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 của quận 2, 9, Thủ Đức và báo cáo UBND TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, điều 134, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định về tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp, tại khoản 1 có nêu: “Trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu HĐND của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ”.
Trong đó, khi TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.3.2021 thì HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức cũng kết thúc nhiệm vụ tại thời điểm này. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị vận dụng quy định nêu trên để quy định việc xử lý các nhiệm vụ về tài chính – ngân sách còn tồn đọng thuộc thẩm quyền của HĐND quận 2, 9 và Thủ Đức trước khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Trong đó, TP.HCM nói rằng có nội dung quyết toán thu ngân sách nhà nước, thu, chi ngân sách địa phương năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 của quận 2, 9 và Thủ Đức.