Sáng 26.2, tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL.

Bộ ngành ‘xắn tay’ bàn cách tiêu thụ lúa gạo cho ĐBSCL

26/02/2019, 16:03

Sáng 26.2, tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL.

Vựa lúa lớn nhất nước ĐBSCL đang đứng trước khó khăn ngay đầu năm 2019 - Ảnh: Thanh Nguyên

Hội nghị có hơn 350 đại biểu tham dự, được tổ chức với mục đích, đánh giá, trao đổi tình hình, cùng các bộ, ngành liên quan tập trung các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, xuất khẩu gạo trước mắt cũng như lâu dài; giải quyết các nút thắt của ngành gạo (sản xuất, cơ chế tín dụng, thương mại, khoa học công nghệ…), cũng như duy trì sự tích cực của xuất khẩu gạo những năm vừa qua.

Từ top 3 xuất khẩu gạo…

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực, và hạt gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số liệu được công bố cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỉ USD, tăng 5,1 % về lượng và 16,3 % so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị. Nguyên nhân chính là Việt Nam đã chuyển đổi được cơ cấu giống, tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80 % gạo xuất khẩu, nhờ đó nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn.

Trong năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.

Dù vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Từ cuối 2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm.

Xuất khẩu gạo tháng 1.2019 đạt gần 438.000 tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.

Quang cảnh Hội nghị Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL diễn ra sáng 26.2 - Ảnh từ LĐO

Nguyên nhân là nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ Đông xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm. Trong khi đó, các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết. Các thị trường quốc tế tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu…

... đến những khó khăn phải đương đầu

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thu mua đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 với lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Đồng thời, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất với các đối tác của Việt Nam về nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam (biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao quốc gia Sơn Đông - Trung Quốc (FVC).

Hai bên sẽ thực hiện ngay bản ghi nhớ này trong nửa đầu năm 2019. Những sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp góp phần làm giảm áp lực thị trường, giá lúa gạo tại ĐBSCL có những diễn biến chuyển động tích cực. Giá lúa tươi tăng 200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đồng/kg.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, sau ý kiến chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ của Thủ tướng, giá lúa có tăng nhẹ, song vẫn còn thấp so với năm 2018. Giá lúa và khâu tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.

Một vấn đề của việc tiêu thụ lúa Đông xuân cho nông dân là doanh nghiệp không đủ hạn mức tín dụng để thu mua lúa. Để giải quyết vấn đề căn cơ, chính phủ cần có giải pháp, chính sách để xác lập dài hạn hơn cho chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Sau khi khảo sát tình hình tiêu thụ lúa gạo ở một số tỉnh ĐBSCL, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lý giải nguyên nhân giá lúa giảm là năm 2018 ĐBSCL có lũ đẹp, nông dân tranh thủ xuống giống tập trung khi lũ rút. Lúa trúng mùa nhưng chín sớm hơn, lại thu hoạch tập trung nên khó bán, dẫn đến giá giảm. Vì khó khăn đầu ra nên doanh nghiệp cũng có tâm lý chưa mua vào nhiều.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương nhận định, hiện một số nước đã thay đổi phương thức nhập khẩu gạo như cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh, nhiều nước trong khu vực cũng nỗ lực xuất khẩu gạo… Các động thái trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Từ đó, Việt Nam khó duy trì giá xuất khẩu gạo như năm 2018. Xuất khẩu gạo dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham gia cho ý kiến, hiện giá lúa Đông xuân giảm 300 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán và giảm 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá này, nông dân không lỗ nhưng cũng khó mà nói có lời. Nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng cần tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn để mua lúa cho bà con. Ở các địa phương, bộ ngành cũng phải xem xét phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ để bình ổn giá mặt bằng tại các địa phương.

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ ngành ‘xắn tay’ bàn cách tiêu thụ lúa gạo cho ĐBSCL