Trang Newsweek ngày 11.7 đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ bị hớ vì đưa 'tin vịt', khi họ đặt một thành phố hư cấu trong văn hóa dân gian Nga thành nơi có điểm trú ẩn dành cho người không nhà cửa và nạn nhân của nạn buôn người.
Ngày 27.6, trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Rex Tillerson và Ivanka Trump, con gái và là cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao công bố Báo cáo hàng năm về nạn buôn người trình Quốc hội Mỹ.
Tài liệu 444 trang này gồm danh cách nước-xếp theo thứ tự ABC-cùng tình trạng buôn người ở mỗi nước. Tại phần Nga, chính phủ Tổng thống Vladimir Putin bị cáo buộc không tích cực bảo vệ nạn nhân của tệ nạn buôn người.
Mỹ dẫn một số ví dụ về sự lơ là, gồm một nơi trú ẩn dành cho người không có nhà cửa ở Kitezh:
“Nhà tạm lánh này do Giáo hội Chính thống giáo Nga ở Kitezh điều hành, bắt đầu chấp nhận nạn nhân của nạn buôn người, cho họ chỗ ở, thức ăn, nhưng không chăm sóc sức khỏe và động viên tâm lý. Chính phủ không hỗ trợ tài chính cho nơi trú ẩn này”.
Tuy nhiên, Kitezh chỉ là một thành phố hư cấu trong văn hóa dân gian Nga, kể rằng một hoàng tử Nga hồi thế kỷ 13 đã xây dựng nên, rồi bị quân Mông Cổ xâm lược đe dọa. Truyền thuyết kể rằng thay vì đầu hàng địch, dân thành Kitezh quyết đánh chìm thành phố xuống hồ Svetloyar ở miền Trung Nga.
Không có bằng chứng khảo cổ nào để ủng hộ giả thiết trên, nhưng thành phố truyền thuyết Kitezh được nhắc đến trong nhiều tác phẩm dân gian Nga. Có lẽ nổi tiếng nhất là vở nhạc kịch Huyền thoại về thành phố vô hình Kitezh và trinh nữ Fevroniya, do nghệ sĩ sáng tác nổi tiếng người Nga Nikolai Rimsky-Korsakov soạn năm 1907.
Kitezh cũng xuất hiện ở văn hóa phương tây, như trong phim tài liệu Tiếng chuông từ dưới sâu: tín ngưỡng và mê tín dị đoan ở Nga của đạo diễn Đức Werner Herzog năm 1933, hoặc trong game video hành động phiêu lưu Kẻ săn mộ trỗi dậy hồi năm 2013.
Báo Moscow Times cùng các tờ báo Nga khác nêu chắc chắn Bộ Ngoại giao Mỹ đã lẫn lộn với tên của Nhà tạm lánh Kitezh dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở vùng ngoại ô đông nam Moscow với một ngôi làng hoặc một thành phố.
Nhà tạm lánh Kitezh này tự giới thiệu là một tổ chức phi chính phủ, được nhà thờ Novospassky bảo trợ. Năm 2015, báo Independent (Anh) đã có bài giới thiệu nhà tạm lánh Kitezh là “một cơ sở vô giá cho phụ nữ”, và ở đó có sự hỗ trợ tâm lý cho những người đàn bà bị chồng (người yêu) dở thói vũ phu.
Ngoài cáo buộc hớ trên, Bộ Ngoại giao Mỹ còn xếp Nga là nước bóc lột lao động xuất khẩu nước ngoài nhiều nhất, đặc biệt là nhân công CHDCND Triều Tiên.
Từ năm 2013,Mỹ xếp Nga vào Bậc 3, là bậc xếp hạng thấp nhất, dành cho các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để phòng chống nạn buôn người, hoặc không thực hiện những nỗ lực cải thiện đáng kể. Các nước cùng bậc này là Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria.
Mỹ thì tự xếp mình vào Bậc 1. Các nước bị xếp Bậc 3 có thể bị Mỹ trừng phạtgồm ngưng giúp đỡ và viện trợ nhân đạo, quan chức của nước bị xếp bậc này có thể bị cấm tham gia các chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục của chính phủ Mỹ.
Kim Hương (theo Newsweek)