Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi trong nước.

Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng ‘cứu’ ngành chăn nuôi

Trí Lâm | 14/04/2017, 09:21

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi trong nước.

Sau một thời gian phát triểnnóng ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN), ngành chăn nuôi đã bộc lộ một số bất cập về thị trường, đặc biệt là thịt lợn. Trong đó, giá lợn hơi đã giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là những tháng mùa hè sắp tới, gây khó khăn, thua thiệt cho người chăn nuôi.

Năm 2015, cả nước có 27,8 triệu con lợn hơi thì nay có khoảng 29,1 triệu con, khoảng 4,2 triệu lợn nái. Số lượng lợn tăng quá nhanh trong khi thị trường đang bị bó hẹp. Hàng loạt người chăn nuôi tại nhiều tỉnh thành đang lỗ nặng vì nuôi lợn.

Nguyên nhân là do phía Trung Quốc đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập lợn qua các đường tiểu ngạch, do đó các thương lái xuất lợn sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, từ trước tới nay lợn của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch, hầu như chưa từng xuất qua đường chính ngạch.

Hơn nữa, người chăn nuôi trước nay chưa có sự liên kết theo chuỗi bền vững, gắn chăn nuôi với thị trường, đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Trong khi lợn không bán được, chi phí TACN lại quá cao khiến người nông dân ngày càng lỗ nặng hơn, nhiều nơi đã phải giảm khẩu phần ăn của lợn.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNN phối hợp cùng Bộ Tài chính và các địa phương nhằm tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ phù hợp để giảm thiểu chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh TACN và thuốc thú y. Đồng thời yêu cầu các đơn vị có năng lực lưu trữ, chế biến và tiêu thụ lớn tăng cường thu mua, giết mổ, cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong thời gian tới.

Ông Trọng cũng cho biết sẽ xem xét tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và nội tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, nguy cơ thực phẩm bẩn.

Về lâu dài, ông Trọng cho biết sẽ triển khai các biện pháp tổng thể, trong đó có giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, hạn chế mở mới các cơ sở chế biến TACN, giảm quy mô đàn lợn, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn lợn giống và phương thức TACN phù hợp với từng phân khúc thị trường; gia tăng chăn nuôi hữu cơ.

“Nếu không điều tiết được tốc độ tăng đàn sẽ dẫn đến dư thừa, trong khi thị trường trong nước đã đến ngưỡng mà thị trường xuất khẩu chưa có bao nhiêu. Khi đó, không xuất chuồng được thì người nuôi lại mất thêm chi phí nuôi, nếu xuất chuồng ngay, giá sẽ thấp, người nuôi kiểu gì cũng thua thiệt”, ông Trọng nói.

Ngoài ra, ông Trọng cũng đề nghị tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 và quý 1/2017 của BộNN-PTNT, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh, nguyên nhân khiến giá cả một số sản phẩm thịt, trứng… trong nước giảm mạnh thời gian qua là do cung vượt quá cầu, không chủ động được thị trường nên khi Trung Quốc siết nhập khẩu thì thị trường biến động.

Theo đó, giải pháp cho tình trạng dư thừa thịt lợn chính là con đường xuất khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc được cho là rất quan trọng. Ông Chinh cho biết: “Trước kia thịt lợn xuất sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch, chưa có con đường chính thức. Hiện tại, Trung Quốc đã siết chặt biên giới và cấm xuất tiểu ngạch. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đang tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc để xúc tiến thương mại, tìm đường xuất khẩu chính ngạch dành cho sản phẩm thịt lợn”.

“Bộ đã chủ động cử đoàn sang đàm phán với phía Trung Quốc. Hai bên đã thống nhất, xúc tiến đi đến ký kết về xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng chính, trong đó có thịt lợn, sữa của Việt Nam. Sắp tới đây, sau khi hai bên tìm hiểu kỹ các căn cứ pháp lý và các điều kiện của nhau, sẽ đi đến thống nhất cụ thể, lúc đó Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông Chinhnói.

Theo ông Chinh, đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, về lâu dài, cần đổi mới quy hoạch ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, giảm giá thành, tăng quy mô. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn sẽ là đầu tàu liên kết sản xuất cho bà con nông dân.

Hoài Phong
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng ‘cứu’ ngành chăn nuôi