Bộ Tài chính cho rằng hơn 8.000 tỉ đồng ngân sách chi cho việc hỗ trợ tiền điện cho người nghèo vẫn tồn tại những nhược điểm và khó khăn. Theo đó, Bộ này kiến nghị dừng chính sách cho không tiền điện với người nghèo từ ngày 1.1.2019.
Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo biểu giá ưu đãi được Chính phủ ban hành từ tháng 2.2011. Theo đó, từ 1.3.2011 đến ngày 31.5.2014, các hộ nghèo được hỗ trợ giá điện 50kWh/tháng, tương ứng với 30.000 đồng một hộ mỗi tháng. Qua các đợt điều chỉnh giá điện thì từ ngày 1.12.2017 đến nay, mức hỗ trợ được nâng lên thành 51.000 đồng/hộ/tháng.
Bộ Tài chính đánh giá trong giai đoạn 2011-2017 nhà nước đã hỗ trợ tiền điện cho khoảng 2.342 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (trong đó hộ nghèo chiếm 87%) với kinh phí từ ngân sách là khoảng 8.083 tỉ đồng. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước dự tính bố trí hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho khoảng 1.800 nghìn hộ nghèo, chính sách xã hội.
Chính sách ưu đãi trên được cơ quan này nhìn nhận đã góp phần cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước giải quyết vấn đề đời sống, giảm bớt khó khăn cho người dân trước tác động của giá điện, góp phần tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề bất hợp lý như: phạm vi đối tượng hỗ trợ rộng, thay đổi thường xuyên do quy định hộ chính sách xã hội phải có lượng điện sử dụng dưới 50kWh/tháng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng chưa có điện lưới… không phân biệt giàu nghèo, điều này đã tạo ra sự bất cập nhất định; Chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt chỉ thích hợp trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài còn hạn chế, thiếu tính bền vững...
Từ những bất cập kể trên, giai đoạn tiếp theo 2019-2020 trong điều kiện nguồn nhân lực nhà nước còn hạn chế, thực hiện chủ trương rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án hỗ trợ. Thứ nhất là bãi bỏ chính sách hỗ trợ điện cho không hiện nay, lý do là mức hỗ trợ thấp 51.000 đồng/tháng không còn phù hợp với định hướng giảm nghèo giai đoạn đến năm 2020.
Việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ người nghèo theo Bộ Tài chính sẽ đảm bảo được nguyên tắc hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Qua đó, người nghèo sẽ chủ động tích cực tự thoát nghèo, hạn chế sự ỉ lại, trông chờ vào tiền hỗ trợ của nhà nước… dần tiến tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ cho không kể trên còn giúp Nhà nước tiết kiệm được nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm. Trên cơ sở đó ngân sách Nhà nước có thêm nguồn lực để bố trí vốn, kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác.
Phương án 2 là tích hợp chính sách hỗ trợ giá điện hiện hành với chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và bổ sung nguồn lực năm 2019-2020 để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ chính nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện. Việc tích hợp này sẽ tập trung được đầu mối quản lý nhà nước về các chính sách giảm nghèo. Đồng thời các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo.
Bộ Tài chính cho biết qua tổng hợp ý kiến từ các Bộ, địa phương thì đa số đều thống nhất thực hiện theo phương án 1, cụ thể là Bộ LDDTB&XH, Ủy ban Dân tộc và 41/53 địa phương. 12/53 địa phương đề nghị thực hiện theo phương án 2, 10 địa phương chưa có ý kiến.
Bộ Công Thương không lựa chọn phương án và có ý kiến đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tích hợp chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo khác để đảm bảo chính sách ưu đãi của nhà nước với người nghèo.
Tuyết Nhung