Mỗi năm có khá nhiều phụ nữ ở các xã vùng biển tỉnh Thừa Thiên - Huế kết hôn giả với Việt kiều để thực hiện giấc mộng xuất ngoại. Những cuộc hôn nhân không có tình yêu và đầy toan tính này đã đẩy nhiều người vào cảnh dở khóc dở cười, tuổi xuân hoang phế.
Những bản hợp đồng kết hôn giá tiền tỉ
Để con gái mình được xuất ngoại, nhiều gia đình nhờ người quen đang định cư ở nước ngoài giả kết hôn với con mình, còn những gia đình không có người quen thì phải thuê người kết hôn. Những cuộc thuê mướn này có hợp đồng với đầy đủ các điều khoản. Phải sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được vợ chồng ông Nguyễn Xuân Th. ở thôn An Dương (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), những người có con gái vừa xuất ngoại bằng cách kết hôn giả với Việt kiều.
Nghe tôi nói muốn đưa người em họ xuất ngoại bằng cách kết hôn giả với Việt kiều, ông Th. nói muốn làm việc này phải móc nối với một đường dây. Để đưa được con gái mình là Nguyễn Thị Thu H. (24 tuổi) sang Canada, ông Th. đã phải thuê một đường dây chuyên làm dịch vụ đưa phụ nữ xuất ngoại theo diện kết hôn giả thực hiện. Đường dây này đã đưa Lê Hùng D., một Việt kiều gốc huyện Phú Vang, đang ngụ tại Canada, về kết hôn với chị H. Tổng số tiền gia đình ông Th. phải trả cho đường dây trên là 50 nghìn đô la Mỹ.
Cách đây hơn 2 năm, đám cưới giả của H. và D. được tổ chức linh đình để chính quyền địa phương và cơ quan thẩm định tin họ đến với nhau vì tình yêu đích thực. 6 tháng sau ngày cưới, H. được xuất ngoại sang vùng đất hứa rồi ly hôn với D. Tại đây, để trả số tiền khổng lồ mà gia đình đã vay lo cho mình xuất ngoại, H. phải làm thuê quần quật suốt ngày. “Nó mới gửi được cho vợ chồng tui gần 100 triệu, trong khi số tiền nhà tui phải vay làm thủ tục cho nó đi là hơn 1 tỉ đồng”, bà Lê Thị B., vợ ông Th. cho biết. Với nhiều người dân huyện Phú Vang, Lê Hùng D. là nhân vật không mấy xa lạ. Bởi trước khi kết hôn giả với H., người đàn ông này đã từng kết hôn giả với 3 cô khác ở các xã Phú Hải, Phú Diên và thị trấn Thuận An của huyện Phú Vang.
Nhiều tháng nay, sau khi bị bố mẹ ép kết hôn giả với Việt kiều để xuất ngoại, chị Mai Thị V. (22 tuổi) ở thôn Hải Tiến (thị trấn Thuận An) ngày nào cũng ôm mặt khóc. Đang học năm 3 Đại học Huế thì V. bất ngờ bị gia đình buộc xuất ngoại. Sau khi bố mẹ V. chồng đủ 50 nghìn đô la Canada, một đường dây đã sắp xếp người kết hôn với V. Sau khoảng nửa năm thường xuyên thư đi tin lại để làm bằng chứng cho tình yêu hai bên, chàng Việt kiều về Việt Nam làm đám cưới giả với V. Hiện mọi thủ tục hôn nhân giữa V. và chàng Việt kiều đã hoàn tất và V. chỉ còn chờ ngày sang Canada. "Bố mẹ em ép buộc nên em không thể không nghe lời. Từ khi em kết hôn giả với Việt kiều, người yêu của em vì quá suy sụp nên bỏ học vào miền Nam”, V. kể.
Viễn tưởng giàu sang sau những cuộc hôn nhân giả chẳng thấy đâu. Có chăng là nỗi lo trả nợ, sự chờ đợi mòn mỏi và tuổi xuân thì vụt mất! |
Đỏ mắt chờ ngày đến miền đất hứa
Trong số hàng chục phụ nữ ở các xã vùng biển Thừa Thiên - Huế kết hôn giả với Việt kiều để xuất ngoại mỗi năm, chỉ có khoảng nửa số người xuất ngoại thành công, còn lại đều rơi vào cảnh mỏi mòn chờ đợi. Sau 3 năm tổ chức đám cưới giả rình rang với một Việt kiều, Trần Thị M. ở thôn Kế Sung, xã Phú Diên vẫn chưa thể xuất ngoại sang Úc. Rất nhiều lần M. tham gia các cuộc phỏng vấn để làm thủ tục đoàn tụ với người chồng trên giấy nhưng đều thất bại bời cơ quan thẩm định phát hiện cuộc hôn nhân giữa M. với anh Việt kiều có nhiều điểm đáng ngờ.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, M. liên tục khóc. Sống trong sự buồn bã kéo dài khiến cô gái này trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 25. Nổi tiếng xinh đẹp, nên M. từng được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Từ khi vào học trường Cao đẳng Sư phạm Huế, M. yêu một giảng viên ở trường này. Khi tình yêu giữa hai người tưởng không còn gì có thể chia cắt thì bi kịch ập đến. Nghe lời hàng xóm, bố mẹ M. quyết định vay mượn tiền để cho M. xuất ngoại bằng cách kết hôn giả với một Việt kiều úc, người mà cô chưa bao giờ gặp mặt. M. nhất quyết không nghe lời nhưng trước sự dọa dẫm từ mặt của bố mẹ cô đành buông xuôi.
Việc M. bất ngờ bỏ học để kết hôn với Việt kiêu khiến tình yêu giữa cô và anh giảng viên tan vỡ. Mặc dù M. hêt lời giải thích rằng cuộc hôn nhân này chỉ là giả và sau khi xuất ngoại kiếm được nhiều tiền cô sẽ trở về nhưng người yêu của cô nói không thể chấp nhận một cô gái hám lợi như M. Sự nghiệp học hành và tình yêu đứt gánh giữa đường trong khi việc xuất ngoại không thành khiến M. rơi vào cảnh không lối thoát. “Chừ đành phải tiếp tục chờ đợi trong vô vọng vì ly hôn thì không được mà xuất ngoại cũng không xong. Nhiều lần nghe bà con lối xóm bảo mình hám của nên phải lãnh hậu quả em lại càng xấu hổ” - M. vừa kể vừa nâng vạt áo quệt những giọt nước mắt mặn chát.
Đang là học sinh lớp 12 thì Trương Thị D. ở thôn An Dương, xã Phú Thuận được người chị con bác ruột định cư ở Canada thuê người về kết hôn giả để xuất ngoại như nhiều cô gái khác ở làng. Người chồng trên giấy của D. là một Việt kiều gốc Đà Nẵng. Nhưng sau hơn 3 năm tiến hành các thủ tục để đoàn tụ với người chồng giả, D. vẫn không được xuất ngoại bởi những cuộc phỏng vấn thất bại. Rồi người chị của D. tiếp tục nỗ lực đưa cô em sang vùng đất hứa bằng cách nhờ... chính người chồng chưa cưới của mình về kết hôn với D. Tuy nhiên, đến nay, đã gần 9 năm kể từ khi làm đám cưới với người yêu của chị con bác nhưng D. vẫn không thể đến được nơi cô mơ ước.
Tủi buồn mẹ góa con côi
Hơn chục năm nay, chị Nguyễn Thị H. lặng lẽ đi về với 2 đứa con trong căn phòng trọ lạnh lẽo ở phường Xuân Phú, thành phố Huế. Người bố của hai đứa con chị H. là anh Nguyễn Thanh Đ., đang định cư ở Mỹ, người đã kết hôn giả với chị. Theo lời kể của chị H., trước đó, sau rất nhiều lần chạy chọt làm thủ tục xuất ngoại nhưng không thành, được nhiều người mách bảo là nêu có con với nhau thì cơ hội sẽ nhiều hơn nện chị quyết định có con với người chồng trên giấy.
Nhưng sau ngậy sinh 2 đứa con, việc xuất ngoại của chị H vẫn mờ mịt. Sau hàng chục lần được gọi đi thử ADN và phỏng vấn nhưng mẹ con chị vẫn không được xuất ngoại. Đến nay thì việc xuất ngoại của mẹ con chị hoàn toàn không còn cơ hội bởi người từng kết hôn giả với chị đã chính thức lập gia đình với một phụ nữ bản địa. “Âu cũng là cái số trời định cả rồi, giờ phải bươn chải mà nuôi con thôi anh ạ. Chỉ tội hai đứa trẻ ngày nào cũng hỏi về người bố của mình, tui không biết phải trả lời như thế nào với chúng”, chị H. buồn bã tâm sự.
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị L. (SN 1982) ở làng Hòa Duân, xã Phú Thuận cũng bi đát không kém. Chị đã bỏ người yêu sắp cưới và bỏ ngoài tai sự dè bỉu của hàng xóm để lên xe hoa với một anh chàng Việt kiều định cư ở Canada là Trương Viết Th. Trong lần về thăm quê nội, được bố mẹ chị L. thuê mướn, Th. đã kết hôn giả với chị L. mặc dù anh này đã có vợ ở Canada. Một đám cưới kiểu Tây nhanh chóng được tổ chức trước sự ngạc nhiên của bạn bè chị L. và bà con lối xóm. Rồi chị L. sinh 2 đứa con.
Th. hứa rằng khi về Canada sẽ nhanh chóng ly hôn với vợ để làm giấy tờ xuất ngoại cho mẹ con L. Thế nhưng lời hứa chỉ là mây gió khi mà vợ Th. không chấp nhận ly hôn và yêu cầu anh này quay lại chung sống vì đứa con của họ còn nhỏ. Từ đó đến nay, ròng rã mấy năm trời, chị L. và 2 con sống trong những chuỗi ngày không niềm vui, không còn gì để hi vọng, trong khi người chồng trên giấy thì bặt vô âm tín.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ từ các xã miền biển của huyện Phú Vang, hiện các xã vùng biển của huyện này có hơn 100 đứa trẻ không cha là kết quả của những cuộc hôn nhân giả để xuất ngoại. Con số này tập trung nhiều nhất ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh An và thị trấn Thuận An. Số phụ nữ kết hôn giả với Việt kiều nhưng không xuất ngoại được phải côi cút nuôi con ở đây đã lên đến gần 300 người.
Nam Giao / Chuyện đời