Khối sắt thép, đất đá đồ sộ đổ ầm xuống chỉ trong một khoảnh khắc. Những người lao động nghèo không thoát kịp. Chỉ còn lại tiếng khóc nấc thê lương của người thân, chìm lút vào hố thép ngổn ngang, tua tủa…
“Mai mốt tui đi lãnh vé số bán”
Đến 23 giờ 30 cùng ngày xảy ra vụ sập giàn giáo ở quận 7, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể ông Đặng Văn Hai (sinh năm 1959, quê quán Trà Vinh) – nạn nhân cuối cùng bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Chị N.T.H., sinh năm 1977, ngụ Đồng Tháp, người may mắn thoát chết nghẹn ngào kể về ông Hai: “Ổng hiền lắm, anh em ngồi ăn cơm chung với nhau biết bao nhiêu năm nay. Mấy đứa con của ổng cũng hiền. Bữa sáng ổng gặp nạn, tui đến gần giàn giáo uống nước, chưa kịp uống thì nghe rầm rầm, tui sợ quá, chui vào trong tủ dụng cụ. Tui thấy ông Hai bỏ chạy, còn 2 mét nữa thôi là … ổng sống. Mà sau khi giàn sập xong rồi, anh em tìm hoài cũng không thấy ông Hai”.
|
Chị H. xúc động kể về ông Hai - nạn nhân cuối cùng bị mắc kẹt tại hố sập công trình |
Ông Hai dáng người còm nhom, trưa công trình, bên bữa cơm khô khốc, đầy gió bụi, ông Hai thường cười, nói không đầu không cuối: “Già yếu quá rồi, làm không nổi nữa, mai mốt tui xin nghỉ. Mà nghỉ rồi không biết làm gì kiếm tiền, chắc tui lãnh tập vé số đi bán lòng vòng”, chị H kể.
Chuyện “mai mốt” dở dang, đến tận lúc này, ông Hai vẫn nằm đâu đó trong cả ngàn tấn sắt. Đồng nghiệp lâm râm khấn nguyện, ông sống khôn thác thiêng “chỉ dùm chỗ ngã xuống” để người thân đưa về an táng. Chị H. không kìm nổi cơn xúc động, nước mắt lưng tròng: “Tội nghiệp ổng quá cô ơi, mỗi lần nghĩ tới câu, “đi lãnh vé số bán” là tui muốn khóc”.
|
Nhóm công nhân lặng người ngồi chờ tin đồng nghiệp |
Nhóm công nhân ngồi ngóng tin đồng nghiệp, vừa khấn vừa mong: “Biết đâu ổng còn sống, giống như hồi xưa, có mấy cha ở miền Tây, nhảy xuống rạch tự tử rồi lặn một hơi lên bờ đi nhậu, báo hại người ta kiếm cả ngày trời”. Nói rồi lại ngậm ngùi: “Mà nếu ổng sống …, ổng phải chạy về tìm con liền chứ …”. Cứ như đang thương lượng với sự tuyệt vọng, tai nạn vô chừng mà phận người quá mong manh.
“Đã dặn đừng có vô sàn”
Anh Đặng Thành Kha – con trai của ông Hai dìu đứa em út đang khóc ngất. Ngày ông Hai lên thành phố kiếm việc, ba đứa con trai còn nhỏ xíu. Mới đó mà đã hơn chục năm trời ba cha con cùng nhau từng trải sương gió công trình. Vài ngày sắp tới đây, cha con ông Hai định về Trà Vinh làm giấy khai sanh cho cháu nội. Cháu còn chưa có tên, mà ngờ đâu…
|
Anh Kha lo lắng ngóng tin cha |
Mười mấy tiếng đồng hồ trôi qua, vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu của ông Hai trong đống đổ nát hoang tàn. Mẹ anh Kha ngồi thẩn thờ, vuốt vai con trai rồi khóc òa: “Thằng út của ổng đây. Sáng nào nó cũng chở ba nó đi làm. Bây giờ ổng bỏ tui, bỏ con mà đi…”. Đám đông lặng như tờ, chỉ còn tiếng nỉ non xé lòng xé ruột.
Quá sốt ruột ngóng tin cha, anh Kha chân trần lao xuống hố sắt thép, bàn tay chai sần đầy những vết thương chằng chéo. Anh ngồi ngóng tin cha, nói như hờn trách: “Hồi sáng ổng đang ngồi cưa tuốt đằng kia kìa, tự nhiên mất điện, ổng chạy vô sàn ghim lại điện, rồi giàn giáo nó sập luôn. Mà đã dặn rồi chứ, … đã dặn là người ta đang đổ bê tông, đừng có vô sàn …”.
|
Anh Kha lao xuống hố công trình tìm kiếm dấu hiệu của ông Hai |
19 giờ, 11 tiếng đồng hồ liên tục tìm kiếm, dấu hiệu của ông Hai vẫn biệt tích. Bàn thờ tạm được lập ngay trong công trình. Khói hương hoảng loạn bạt vào trong gió, trời sắp chuyển mưa. Ngó đất trời đang cơn run rẩy, một công nhân già ngồi tặc lưỡi than: “Cả đời sống khổ, giờ chết cũng khổ nữa. Mưa gió tới nơi rồi, cầu cho tụi nhỏ kiếm ông ra cho mau”.
|
Người thân mỏi mòn chờ đợi trong tuyệt vọng |
23 giờ 30, đã tìm thấy ông Hai. Cả gia đình ôm nhau òa khóc, anh Đặng Thành Kha, Đặng Thành Nghiệp gạt nước mắt, lập tức đưa thi thể cha về quê ngay trong đêm để an táng.
Vụ sập giàn giáo tại quận 7 khiến 4 người bị thương, cướp đi tính mạng của 3 người. Tất cả nhân công thương vong đều rất nghèo, đều từ quê bươn chải lên thành phố, đều là trụ cột chính của cả gia đình… Mai này, công trình không có ông Hai, anh Nghĩa, anh Kỳ - những người không ra kịp. Thay vào đó là những nén nhang, cắm tạm trong lon sắt. Mai này, bữa cơm trong nóc nhà trống lốc thiếu một cái chén, trống một chỗ ngồi. Mai này, biết đâu những đứa trẻ mất cha lại khổ nghèo dạt lên thành phố lớn … Cái nghèo quẩn quanh không hồi kết.
Bá Nguyễn - Lê Quyết