Đại diện Bộ TNMT đã vào Quảng Ngãi để được ''cung cấp một số hồ sơ mà Bộ đang thu thập'' liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đang gây nhiều quan ngại trong dư luận.

Bộ TN-MT thu thập thêm về ĐTM đập dâng sông Trà Khúc

Lê Đình Dũng | 13/09/2019, 11:30

Đại diện Bộ TNMT đã vào Quảng Ngãi để được ''cung cấp một số hồ sơ mà Bộ đang thu thập'' liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đang gây nhiều quan ngại trong dư luận.

''Cung cấp một số hồ sơ mà Bộ đang thu thập''

Sáng 13.9, trả lời Một Thế Giới, ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi- xác nhận vào chiều hôm qua đã có cuộc làm việc với đại diện Bộ TNMT liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc.

“Chỉ có một anh được Bộ TNMT giao nhiệm vụ vào để Quảng Ngãi cung cấp thêm thông tin cần thiết. Do hồ sơ dày, nên người gửi không đầy đủ thì anh ấy vào, anh ấy cần gì thì cung cấp cho anh ấy nghiên cứu”, ông Hải nói.

“Sở có mời vào chứ không phải Bộ vào kiểm tra. Trước đây, Sở cũng báo cáo về tình hình thẩm định ĐTM của đập dâng nhưng cũng gửi hồ sơ ra Bộ để nghiên cứu. Về thông tin Thủ tướng chỉ đạo Bộ vào kiểm tra là không có”.

Ông Hải cho hay: “Nội dung làm việc ngày hôm qua là vào để Sở cung cấp một số hồ sơ mà Bộ đang thu thập, và Sở cũng có báo cáo sơ bộ về ĐTM của đập dâng”.

Còn ông Hà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Sở GTVT kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi - cho biết “cuộc làm việc ngày hôm qua không có vấn đề gì, đoàn của Bộ không lấy hồ sơ gì cả, chỉ đi khảo sát hiện trường thôi”.

Khi được hỏi đoàn có yêu cầu gì không, ông Phương cho biết “họ đánh giá cao nội dung mình (Quảng Ngãi) đã làm”.

Dự án này được khởi công nhanh chóng phục vụ dịp kỷ niệm tái lập tỉnh Quảng Ngãi

Báo Quảng Ngãi sáng nay đưa bản tin ngắn về nội dung cuộc họp này. Theo đó, tờ báo cho hay: “tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo và ý kiến đề xuất của BQL dự án, các đại biểu cho rằng, quá trình triển khai lập báo cáo ĐTM và tiếp nhận, thẩm định hồ sơ ĐTM dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đã được chủ đầu tư dự án và Hội đồng thẩm định báo ĐTM của tỉnh tiến hành các bước hết sức nghiêm túc, cẩn trọng và quá trình thẩm định được thực hiện đúng quy định hiện hành. Chính vì vậy, không cần thiết phải lựa chọn một đơn vị khác để rà soát lại báo cáo ĐTM.

Song, tiếp thu ý kiến của dư luận về những lo ngại các nội dung liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án, thì đề nghị UBND tỉnh cho phép BQL dự án bổ sung phiếu đánh giá sâu hơn về đa dạng sinh học và xâm nhập mặn ở khu vực sông Trà Khúc; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ giám sát liên ngành để theo dõi, giám sát trong quá trình triển khai xây dựng dự án”.

>> Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc: Lấy ý kiến khi mọi việc đã an bài?

>>Dự án đập dâng sông Trà Khúc điều chỉnh từ 60 tỉ lên gần 1.500 tỉ

>>ĐTM đập dâng sông Trà Khúc 'bỏ rơi' cả cộng đồng dân cư

>>Thường trực HĐND Quảng Ngãi lên tiếng về báo cáo ĐTM đập dâng sông Trà Khúc

>>Quảng Ngãi khởi công xây Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc

>>Lộ diện nhà thầu trúng gói thầu xây dựng đập dâng sông Trà Khúc

Bộ NN-PTNT có nhiều khuyến cáo

Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc nối 2 xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi. Công trình xây dựng gồm các hạng mục: Cống ngăn sông gồm 19 khoang, với tổng bề rộng 718,2m (bờ nam 11 khoang, bờ bắc 8 khoang), mỗi khoang rộng 37,8m. Có bốn khoang tràn mặt (tràn Piano), bố trí ở hai bên bờ của 2 đoạn đập, tổng bề rộng các khoang tràn là 143,8m. Có 1 đường cá đi rộng 5m. Nhà quản lý được bố trí ở hạ lưu đảo Ngọc với tổng diện tích khu quản lý là 2.145m2. Cầu và đường giao thông có tổng chiều dài 974,2m, chiều rộng mặt cầu 12,0m.

Công trình điện gồm hệ thống cấp điện cho quản lý, vận hành; hệ thống điện chiếu sáng và điện trang trí. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 38,6 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 1.498 tỉ đồng từ nguồn cải cách tiền lương và ngân sách tỉnh. Dự án được khởi công vào ngày 2.7.2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Vào ngày 15.7.2019, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến về thiết kế cơ sở điều chỉnh, bổ sung dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc và xây dựng khu đô thị sinh thái đảo Ngọc.

Theo đó, có rất nhiều nội dung được Bộ NN-PTNT đề nghị Quảng Ngãi làm rõ.

Cụ thể, về âu thuyền: dự án đề nghị điều chỉnh không làm âu thuyền phía bờ nam thay vào đó là làm 2 bến ở thượng và hạ lưu đập dâng (đề xuất ở dự án khác). Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ nhu cầu vận tải thủy, điều kiện sinh kế của nhân dân ven sông, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; trường hợp không làm âu thuyền, đề nghị xác định rõ việc làm 2 bến ở thượng và hạ lưu đập thuộc dự án nào, tiến độ thực hiện.

Đường cá đi: nghiên cứu bổ sung đường cá đi phía bờ bắc để đảm bảo thuận lợi cho việc di chuyển của cá. Đồng thời tham khảo về hình dạng, kích thước, độ dốc, lưu tốc…đường cá đi đã được ứng dụng trong thực tiễn tại khu vực và các quốc gia tiên tiến trên thế giới để bố trí phù hợp với đặc thù tự nhiên vùng dự án.

Về hệ thống điện và nhà quản lý: đề nghị bổ sung thiết kế làm rõ cao trình đặt hệ thống điện và sàn nhà quản lý đảm bảo quy trình chống lũ.

Bộ NN-PTNT đã có nhiều đề nghị bổ sung liên quan dự án này

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị bổ sung nhiều nội dung khác liên quan ĐTM. Cụ thể, quy mô nạo vét thượng lưu đập dâng Trà Khúc bao gồm diện tích, chiều sâu và phải được thể hiện trên bản vẽ thiết kế cơ sở cùng quy hoạch xây dựng các công trình kiến trúc trên đảo Ngọc (vượt cao trình +6,5m) làm cơ sở để tính toán, kiểm tra cao trình mực nước trước đập dâng, đảm bảo không làm dâng cao mực nước trước khi xây dựng công trình ứng với các tần suất chống lũ chính vụ 10%, 5%, 2%, 1% phù hợp với các quy định tại Luật Phòng chống thiên tai.

Thể hiện các mặt cắt tính toán thủy lực lên bản vẽ thiết kế và định vị trên thực tế làm cơ sở để kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp giảm thiểu trong quá trình xây dựng và khai thác, sử dụng đập dâng và đảo Ngọc.

Tính toán lượng bùn cát bồi lắng trước đập dâng làm cơ sở xây dựng kế hoạch và thực hiện việc nạo vét thường xuyên hàng năm hoặc sau mỗi trận lũ, đảm bảo mặt cắt ướt thoát lũ thiết kế.

Rà soát tính toán ổn định xói lở hạ lưu đập ứng với tần suất chống lũ, đồng thời nâng cao trình đỉnh kè một số đoạn từ +5,20m lên 6,5m tương đương cao trình chống lũ chính vụ 10%, đảm bảo ổn định các tuyến đường bờ, không gây xói lở bờ sông và lòng dẫn.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, một số nội dung không đồng nhất giữa các phần trong thuyết minh và không phù hợp giữa thuyết minh và bản vẽ thiết kế cơ sở như sự cần thiết phải xây dựng kè bảo vệ bờ quanh đảo Ngọc, các thông số cơ bản của kè bảo vệ bờ sông, đảo Ngọc…

Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện một số nội dung. Cụ thể, đối với các hạng mục giao thông: cầu giao thông, đường giao thông nối tiếp với cầu tại hai bên bờ sông và đảo Ngọc đề nghị nghiên cứu bố trí mặt bằng và kết cấu công trình theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia của ngành giao thông.

Chủ đầu tư tổ chức kiểm tra tài liệu địa hình, địa chất, rà soát tính toán thủy lực, thủy văn, ổn định các hạng mục và tổng thể, đảm bảo công trình ổn định lâu dài, không làm gia tăng mực nước lũ so với trước khi xây dựng đập dâng và khai thác đảo Ngọc.

Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình ở bãi sông, lòng sông theo quy định hiện hành, nhất là trên đảo Ngọc để đảm bảo an toàn thoát lũ.

Trong quá trình xây dựng và khai thác sử dụng phải thường xuyên kiểm tra các thông số về thủy lực, thủy văn, hàm lượng bùn cát trước và sau đập để có giải pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn thiên tai theo quy định tại Luật Phòng chống thiên tai.

Qua tìm hiểu của Một Thế Giới, giá trị gói thầu làm ĐTM đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc khoảng gần 400 triệu. Một cán bộ thạo tin ở Quảng Ngãi thừa nhận rằng với giá gói thầu làm ĐTM như vậy so với tổng giá trị dự án là gần 1.500 tỉ thì việc làm ĐTM khó hoàn hảo mà cơ bản chỉ phục vụ theo thiết kế cơ sở. Người này cho rằng, tốt nhất nên đánh giá hoặc hoàn thiện lại toàn bộ ĐTM đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hoặc để một đơn vị thuộc Bộ TNMT đứng ra làm.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ TN-MT thu thập thêm về ĐTM đập dâng sông Trà Khúc