Tại phiên họp Quốc hội chiều 7.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cho biết trong 2 năm qua cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường và cứ 50 cơ sở giáo dục lại xảy ra một vụ bạo lực học đường.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Học sinh nữ tham gia vào bạo lực học đường ngày càng nhiều

Dạ Thảo | 07/11/2023, 18:25

Tại phiên họp Quốc hội chiều 7.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cho biết trong 2 năm qua cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường và cứ 50 cơ sở giáo dục lại xảy ra một vụ bạo lực học đường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn, xảy ra cả trong và nhiều trường học là vấn đề ngành giáo dục rất quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách cùng cả nước và các địa phương để xử lý.

Tính từ ngày 1.9.2021 đến ngày 5.11.2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Ông Sơn cho rằng những vụ bạo lực học đường xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau và nó xảy ra cả ở trong trường học lẫn ở ngoài trường. 

"Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường. Số vụ bạo lực có học sinh tham gia xảy ra cả trong và ngoài trường học. Học sinh nữ tham gia vào các vụ bạo lực học đường ngày càng nhiều hơn, khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.

nguyenkimson(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7.11

Trong trường học, trách nhiệm trong việc xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường vẫn giao cho giáo viên kiêm nhiệm các trong thực tế, kỹ năng xử lý của các giáo viên và lãnh đạo các trường vẫn còn lúng túng.

Mặt khác, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh học online lâu cũng để lại vấn đề tâm lý. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do là tâm lý lứa tuổi học đường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó có 70-80% do bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này vừa là đối tượng của bạo lực, chứng kiến bạo lực, hoặc bị bỏ rơi. Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh gia đình bạo lực liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn.

“Với tỉ lệ lớn như vậy, thì học sinh vừa là đối tượng chứng kiến bạo lực, vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị bỏ rơi. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình rất quan trọng,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bên cạnh những vấn đề trên còn có sự ảnh hưởng của mạng xã hội, của phim ảnh, nhất là các phim quốc tế mà giới trẻ quan tâm thì mô típ bạo lực tập thể quay lên mạng rất phổ biến.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngành giáo dục đang nỗ lực, quyết tâm trang bị cho các em học sinh về kiến thức và kỹ năng trong văn hóa học đường. Trong đó việc nâng cao kiến thức bảo vệ bản thân, không bắt nạt bạn bè cũng được giáo viên tuyên truyền tới các em học sinh; lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.

Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng "Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục" dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Mục đích là chia sẻ thông tin về phòng ngừa bạo lực học đường, hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh.

Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của ngành giáo dục và sự nỗ lực vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành các địa phương, Bộ trưởng tin tưởng trong thời gian tới tình trạng bạo lực học đường sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024
2 giờ trước Giáo dục
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Học sinh nữ tham gia vào bạo lực học đường ngày càng nhiều