Bộ KH-ĐT cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.
Tăng trưởng 2024 có khả năng vượt mục tiêu Quốc hội đề ra
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6.7, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế nước ta đã phục hồi trở lại, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%).
Ngoài ra, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông-lâm-thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá. Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 2 tăng 8,55%, tính chung 6 tháng tăng 7,54%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo quý 2 tăng 10,04%, tính chung 6 tháng tăng 8,67%. Tháng 6, có gần 23,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 2 tăng 7,5% so với cùng kỳ; 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%).
Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỉ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỉ USD, tăng 8,2%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
"Những kết quả đạt được 6 tháng qua là nền tảng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển KT-XH năm 2024", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng dự báo khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại rất lớn và cho rằng các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
2 kịch bản tăng trưởng năm 2024
Trên cơ sở kết quả quý 2, 6 tháng và dự báo cả năm, Bộ KH-ĐT dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7% và 7,0%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7% và 0,6%.
Cũng tại phiên họp, Bộ KH-ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7% dựa trên 6 yếu tố sau: Xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...
Ngoài ra, du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương...; nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%.
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong tháng 7 và quý 3/2024, Bộ KH-ĐT kiến nghị khẩn trương cụ thể hóa, đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào cuộc sống; nhanh chóng ban hành, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ở cả trung ương và địa phương trong tháng 7 để có thể áp dụng ngay các luật: Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở từ ngày 1.8.2024.
Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm…