Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cùng với đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì nguy cơ đứt chuỗi về cung ứng lao động ngày càng rõ rệt.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH: Đang có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Lam Thanh | 14/07/2021, 12:17

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng cùng với đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì nguy cơ đứt chuỗi về cung ứng lao động ngày càng rõ rệt.

Sáng 14.7, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

lao-dong.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng 6 tháng đầu năm 2021 gặp thách thức lớn từ đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, phức tạp. Trong bối cảnh đó, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 2, đặc biệt tại các tỉnh thành kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Theo đó, có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó có người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

“Cùng với đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì nguy cơ đứt chuỗi về cung ứng lao động ngày càng hiện hữu. Sự bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng Dung, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung số lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách.

Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh đó, ngành LĐ-TB-XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Nguyên tắc là hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách; các chính sách hỗ trợ đảm bảo khả thi, hiệu quả, thiết thực để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận dựa trên các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ rõ ràng.

“Đến thời điểm này, 33/63 tỉnh thành đã ban hành quyết định triển khai Nghị quyết 68. Hoan nghênh một số địa phương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, đã chủ động triển khai, trong đó có TP.HCM triển khai bài bản, nhanh chóng, kịp thời, dự kiến đến ngày 30.7 hoàn thành việc hỗ trợ tất cả các đối tượng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương.

Thêm 3,7 triệu người lao động bị dịch ảnh hưởng tiêu cực

Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, vượt lên những khó khăn do dịch bệnh gây ra, 6 tháng đầu năm 2021 ngành LĐ-TB-XH đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Nhìn chung, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, đến hết quý 2, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, so với quý 1, dịch COVID-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu người lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực; sự bùng phát lần thứ 4 của đại dịch đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm.

hoi-nghi.jpg
Cảnh hội nghị

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đổi mới phương thức tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn, “đảm bảo các điều kiện phòng chống COVID-19 cho học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đi học trở lại”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định.

Toàn ngành đã nhanh chóng tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tại các địa phương, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí năm 2021 hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trước mắt, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Về đối tượng tham gia BHXH, ước tính 6 tháng đầu năm tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt trên 34%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28%. Các báo cáo cho thấy trong 6 tháng đầu năm có 412.733 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 79,8% so với cùng kỳ năm 2020; 380.636 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, có 912.886 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước và 10.651 người được hỗ trợ học nghề, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho trên 3,1 triệu người; hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng chống dịch COVID-19; tăng cường cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, thanh tra, kiểm tra; phòng chống tham nhũng, lãng phí...

“Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định.

Bài liên quan
Bộ Chính trị kỷ luật Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung và cựu bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, và cảnh cáo bà Phạm Thị Hải Chuyền, cựu bộ trưởng bộ này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH: Đang có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động