Bộ Nội vụ đề xuất tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Thí điểm sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2022-2026

Lam Thanh | 14/07/2021, 10:17

Bộ Nội vụ đề xuất tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến nhân dân.

bo-noi-vu.jpeg
Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo sắp xếp lại các đơn vị hành chính

Trong đó đề xuất tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 563 cấp xã

Bộ Nội vụ cho biết, trong 5 năm (2016-2021), Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 85 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Kết quả đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.

Theo đó, các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn); đồng thời đã triển khai được mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM).

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, không có trường hợp chia đơn vị hành chính các cấp và không có sự thay đổi đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ đánh giá, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành trên cơ sở đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân, thể hiện qua việc nhiều địa phương khi tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nhận được kết quả đồng ý với tỷ lệ rất cao…

Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến độ thực hiện còn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra.

Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp chưa đạt yêu cầu đề ra, nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp được 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Sau sắp xếp, số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện chỉ giảm được 8/15/713 đơn vị (đạt tỷ lệ giảm là 1,12% trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước). Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định (địa phương nêu lý do về các yếu tố đặc thù nên không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề)…

Thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh

Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại hình, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị và các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao.

Trên cơ sở đó quy định điều khoản áp dụng đối với việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới; làm căn cứ tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thí điểm ở cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, phải khắc phục các hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phù hợp hơn với thực tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của đất nước.

Cụ thể, bổ sung 1 điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, gồm các tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, loại đô thị và cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có phân biệt cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác, như: quy mô dân số từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người).

Diện tích tự nhiên từ 150km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%); trình độ phát triển đô thị từ loại 2 trở lên (thành phố thuộc tỉnh là loại 3, thị xã là loại 4); cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn quy định (tiêu chuẩn cụ thể ban hành kèm theo nghị quyết).

Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định để phù hợp với đặc thù của đơn vị hành chính miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, dân số ít.

Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận theo hướng tăng tiêu chuẩn này để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh từ 180.000 người trở lên, thị xã từ 120.000 người trở lên, quận từ 200.000 người trở lên.

Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã từ 100km2 trở lên để phù hợp với quy mô của thị xã trong tổng thể đơn vị hành chính đô thị ở cấp huyện; đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo sẽ được cấp có thẩm quyền công nhận loại tương ứng trước khi thành lập.

Đồng thời, sửa đổi quy định về áp dụng Nghị quyết, điều khoản áp dụng tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 được xây dựng theo quan điểm giữ ổn định số lượng và hạn chế chia đơn vị hành chính các cấp.

Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính thì tiến hành nhập, sắp xếp theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí điểm sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2022-2026