Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thuế trong giá xăng dầu nước ngoài chiếm hơn 45 – 60% nhưng với Việt Nam, thuế chỉ chiếm khoảng 29% - 31%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thuế trong giá xăng dầu Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước

Lam Thanh | 02/06/2022, 11:56

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thuế trong giá xăng dầu nước ngoài chiếm hơn 45 – 60% nhưng với Việt Nam, thuế chỉ chiếm khoảng 29% - 31%.

Doanh nghiệp, người dân khó khăn vì "bão giá"

Phát biểu tại Quốc hội ngày 2.6, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ vui mừng khi đất nước kiểm soát được đại dịch COVID-19 và kinh tế - xã hội dần phục hồi, tuy nhiên hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn.

“Giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Trí nói.

Trước tình hình đó, ông Trí đánh giá cao chính sách miễn giảm thuế là một quyết sách đúng, kịp thời để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Để chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế sâu hơn không chỉ 2% và kéo dài thời gian áp dụng không chỉ trong năm 2022 mà có thể hai năm hoặc dài hơn. Đại biểu cũng nhấn mạnh chọn những khu vực, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ.

Ông Trí nêu rõ, lựa chọn đúng đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hỗ trợ sẽ phục hồi nhanh để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế.

“Không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý. Lựa chọn khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiệu quả, có khả năng phục hồi nhanh và có vai trò quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, hàng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp”, ông Trí nói.

Để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân được tiếp cận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến UBND các tỉnh, thành phố; cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả thực kết quả thực hiện, không để triển khai chậm.

dai-thang.jpg
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp; dự báo các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp.

Riêng về mặt hàng xăng dầu, đại biểu Thắng cho rằng cần bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng đổ với mức phù hợp để điều hành giá xăng dầu trong nước linh hoạt, có phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.

Ông Thắng cũng đề nghị điều chỉnh linh hoạt kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành cung tiền, lãi suất, điều tiết giá cả; tập trung triển khai có hiệu quả, kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

“Chỉ số lạm phát tăng chịu ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đúng tư. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia”, ông Thắng nói.

Cũng theo đại biểu này, nguyên tắc cơ bản của việc điều tiết giá trong nền kinh tế thị trường là đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, chương trình phục hồi và phát triển xã hội với quy mô 350.000 tỉ đồng cùng các gói hỗ trợ năm 2021 đang thẩm thấu vào từng lĩnh vực của nền kinh tế, làm cho tổng cầu tăng đột biến.

Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước; tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát, điều hành nguồn cung, vật tư đầu vào; không để bị đứt gãy, đặc biệt chỗ cung ứng của thế giới với Việt Nam, tránh trường hợp đầu cơ, găm hàng tích trữ.

Giảm thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội

Liên quan đến vấn đề giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là chống lạm phát. Đất nước đã hội nhập, những nguyên liệu phụ thuộc nước ngoài thì phải theo dòng chảy nước ngoài như xăng dầu, thép...

Theo đó, giải pháp cần tập trung là chính sách tiền tệ, tài khóa, tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân, doanh nghiệp, có sức chống chọi lạm phát.

Về việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu, ông Phớc cho rằng cần sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thuế trong giá xăng dầu ở nước ngoài chiếm hơn 45 – 60% nhưng với Việt Nam, thuế chỉ chiếm khoảng 29% - 31%. Với xăng A92, các loại thuế trong giá xăng chỉ chiếm 28%. Vừa qua đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, bây giờ còn thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng… là thẩm quyền của Quốc hội.

"Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, mỗi năm sản xuất được hơn 8 triệu thùng dầu thô. Giá dầu thô tăng cũng bù đắp ngân sách được một phần, nhưng chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa, nên khi giảm thuế sẽ phải cắt giảm các khoản chi, trong khi chính sách tài khóa đã được duyệt", Bộ trưởng Tài chính nêu khó khăn.

tc.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Ông cũng cho rằng, thực tế muốn giảm giá xăng dầu cần đồng bộ nhiều giải pháp, và thuế chỉ là một trong số công cụ. Ngoài thuế, Bộ trưởng Tài chính nói cần phải tính tới tăng cường chống buôn lậu với mặt hàng này.

Lý do là nếu giá trong nước chênh lệch nhiều với một số nước trong khu vực (thấp hơn các nước) sẽ dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu. Hiện giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào khoảng 11.000 đồng/lít, Campuchia 3.000 đồng/lít…

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, phải thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, tức nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn, đảm bảo cung ứng phần lớn nguồn cung trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thuế trong giá xăng dầu Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước