Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định như vậy trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam ngày 5.12.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng
Tại hội thảo, đại diện của nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đưa ra những nhận định, thắc mắc và kiến nghị đối với nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu ở những nội dung như: cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động, chống tham nhũng, chú trọng phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, luật pháp…
Trao đổi lại ý kiến đó, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam không thể đứng riêng một mình, đứng ngoài thế giới được nên chắc chắn sẽ phải hội nhập. Đã hội nhập phải theo luật chơi của thế giới nên Việt Nam sẽ tạo được môi trường cạnh tranh và phát triển.
Theo Bộ trưởng Vinh, đây là những vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt và mong muốn trong 5 năm tới IMF sẽ giúp đỡ nhiều hơn nữa để cải cách tài chính cho hiệu quả hơn.
Đồng thời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chia sẻ rằng trong mỗi chính sách phát triển kinh tế thì Việt Nam luôn đồng hành cùng chính sách an sinh xã hội. Do đó, trong những cú sốc kinh tế vừa qua, Việt Nam vẫn cải thiện được đời sống của nhân dân, giảm nghèo và sẽ cố gắng sớm đạt được mục tiêu thiên niên kỷ.
“Làm sao cho bình đẳng và không để ai bị rớt lai phía sau là điều chúng tôi luôn ý thức để thực hiện” – ông Vình cho hay.
Bên cạnh những thách thức, Bộ trưởng Vình cũng chia sẻ về thành tựu lớn nhất của Việt Nam trong 30 năm đổi mới chính là thành công trong việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Việt Nam kiên định đi theo nền kinh tế thị trường, khắc phục, hạn chế những cái mà chưa làm được để ai cũng được phát triển bình đẳng.
Theo Bộ trưởng, mặc dù cơ bản Việt Nam đã theo nền kinh tế thị trường nhưng còn nhiều vấn đề của kinh tế thị trường mà chúng ta cần hoàn thiện
Đó là vấn đề sở hữu đất đai còn chưa minh bạch, chỉ là quyền mà chưa phải sở hữu chính thức, hoạt động ngầm về đất đai khó kiểm soát; Vấn đề làm sao để cơ chế thị trường trở thành nguyên tắc để phân phối, điều chỉnh các nguồn lực của đất nước. Không phải nguyên tắc chỉ định mà theo thị trường, ai làm tốt sẽ được làm. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Xây dựng nhà nước pháp quyền
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền là tối quan trọng, có ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội. Mọi sự bắt đầu đều phải theo nhà nước pháp quyền, người dân phải được làm chủ và được tham gia xây dựng chính sách, tham gia xây dựng luật pháp, kể cả lựa chọn người lãnh đạo của mình. Đây là việc khó nhưng Việt Nam kiên định xây dựng nhà nước pháp quyền thành công, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh Trung ương cho rằng vai trò của nhà nước thiên về kiểm soát và sở hữu là yếu kém của thể chế kinh tế Việt Nam hiện nay. “Do đó, phải chuyển từ nhà nước điều hành sang nhà nước hiến pháp và phát triển. Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo và phát triển chứ nhà nước không làm thay dân”, ông Cũng nhấn mạnh.
Theo ông Cung, trong nhiệm kỳ vừa qua, chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng cải cách thế chế và môi trường kinh doanh nhưng hiện nay Việt Nam cần có chính sách toàn diện hơn nữa về cạnh tranh, giảm thiểu rào cản gia nhập thị trường, giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
Ông Cung cũng nói cần thiết phải thành lập một cơ quan trung ương chịu trách nhiệm nâng cao năng lực quản trị của nhà nước. Không chỉ cải cách hành pháp mà còn cải cách cả lập pháp và tư pháp, các tổ chức xã hội dân sự ngày càng được tham gia nhiều hơn…
Do đó, Việt Nam cần nhận được nhiều hơn nữa sự trợ giúp về nguồn lực cũng như kinh nghiệm của các đối tác phát triển để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu.
Cũng tại diễn đàn này, nhiều đại diện của các quốc gia như Thụy Sĩ, Nhật Bản, Úc, Canada… và các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế… cũng cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách và phát triển.
Đại diện Liên Hợp Quốc, bà Pratibha Mehta chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trên toàn cầu, đã chỉ ra rằng sự phát triển bền vững không thể đạt được khi không có nền tảng xã hội hòa bình, gắn kết và công bằng.
“Khuôn khổ các mục tiêu phát triển bền vững tạo ra một đột phá mới, buộc các quốc gia thành viên tăng cường quản trị toàn diện, cung cấp cơ hội tiếp cận công bằng xã hội cho tất cả mọi người, loại bỏ tham nhũng và xây dựng tổ chức có trách nhiệm ở tất cả các cấp”, bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Hoàng Long