Trong báo cáo về thể chế thị trường của Việt Nam tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam ngày 5.12, các điểm yếu kinh tế đã được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ.
Kinh tế có nhiều điểm yếu
Theo báo cáo, gần đây Việt Nam tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm từ 5,3% năm 2006 xuống còn 3,3% năm 2013.
Trong khi đó, động lực tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang chế tạo và dịch vụ, tăng năng suất lao động nội ngành vẫn rất thấp.
Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới cũng nhận định rằng, mức tăng năng suất của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu hướng giảm. Với mức tăng năng suât hiện nay thì Việt Nam không đủ sức để đi theo quỹ đạo phát triển như các nước.
Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế cũng cho thấy nguồn lực đang bị định hướng đến những hoạt động không hiệu quả. Các ngành tài chính, ngân hàng, địa ốc và xây dựng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng đầu tư nhưng năng suất của các ngành này thấp so với các ngành chế tạo.
Các doanh nghiệp Nhà nước nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và một phần rất lớn từ tín dụng doanh nghiệp, sử dụng khoảng 70% diện tích đất kinh doanh… nhưng nhiều DNNN hoạt động với năng suất thấp, thua lỗ hoặc lãi không đáng kể.
Báo cáo cũng chỉ ra thêm điểm yếu của nền kinh tế ở chính khu vực doanh nghiệp tư nhân. Sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn yếu và mong manh. 97% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng lo ngại hơn, các doanh nghiệp tư nhân gia tăng quy mô thì họ lại kém hiệu quả hơn.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy, doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các doanh nghiệp có trên 300 nhân công lại thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp có dưới 100 nhân công.
Bên cạnh đó, ông Jonathana Dunn – Đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) nhận định rằng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn dưới mức mong đợi, thâm hụt ngân sách và nợ công đang tăng lên do thu ngân sách đã giảm đáng kể trong khi chi thường xuyên tăng lên, cải cách cơ cấu còn khiêm tốn do những trở ngại về pháp lý, tiến độ cổ phần hóa còn chậm…
Đâu là nguyên nhân?
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính của những điểm yếu kinh tế là dự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các yếu tố đầu vào chính và sự can thiệp vào nền kinh tế bằng sở hữu và các biện pháp hành chính.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đặc điểm là cạnh tranh yếu và không công bằng dưới dạng độc quyền doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước kiểm soát giá và gian lận thương mại. Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào chính như năng lượng và đất.
Yếu kém của khu vực tư nhân một phần là do tính không ổn định và không nhất quán của môi trường thể chế. Một báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy gần 2500 văn bản quy phạm pháp luật và hành chính có dấu hiệu vi phạm quy định xây dựng pháp luật giai đoạn 2009-2012 nhưng rất ít yêu cầu bị hủy bỏ.
Dù có nhiều quyết tâm chính trị để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn còn có nhiều hạn chế kinh doanh ở Việt Nam. Luật đầu tư yêu cầu chỉ quy định các điều kiện kinh doanh vì các lý do quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, trong số hơn 6000 điều kiện kinh doanh đưa ra, nhiều điều kiện không đáp ứng yêu cầu này và tạo ra rào cản gia nhập thị trường, những rào cản đang bóp nghẹt cạnh tranh và sáng tạo trong kinh tế.
Bên cạnh đó, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay có chất lượng thấp và thường không hướng tới nhu cầu của doanh nghiệp. Các cơ chế giải quyết tranh chấp là tối quan trọng để giao dịch kinh tế diễn ra nhưng hệ thống tư pháp chưa thể hỗ trợ thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Đồng thời, thông tin là thiết yếu để kinh tế hoạt động hiệu quả nhưng người dân và doanh nghiệp bình thường rất khó có thể có đầy đủ thông tin về chi tiêu Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và thi hành pháp luật. Báo cáo PCI gần đây cho thấy 73% doanh nghiệp đồng ý rằng họ cần có quan hệ với cơ quan Nhà nước để tiếp cận thông tin và tài liệu.
Cần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ
Để giải quyết tình trạng này, báo cáo của VDPF cũng cho rằng Việt Nam đang thực sự có cơ hội trở thành một nền kinh tế tăng trưởng cao nhờ hội nhập nên cần phải có những giải pháp táo bạo để nâng cấp thể chế và quản trị kinh tế của mình.
Việt Nam cần cải thiện hơn nữa tự do hóa trong kinh doanh, ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột trung tâm của kinh tế thị trường, hạn chế hoạt động của DNNN ở lĩnh vực chiến lược, sắp xếp và áp đặt kỷ luật với DNNN để hỗ trợ cạnh tranh, tăng cường cung cấp thông tin công cộng và thành lập một Cơ quan trung ương để đẩy mạnh tham vấn minh bạch cho chính sách.
Theo ông Jonathan Dunn, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ cấu sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và DNNN. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo công ăn việc làm và những cơ hội cho lực lượng lao động đang tăng nhanh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Pratibah mehta – điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc cũng cho rằng, dù còn nhiều vấn đề nhưng Liên hợp quốc rất lạc quan về tương lai của Việt Nam. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cuộc hành trình mới này để đạt được thịnh vượng hơn nữa.
Hoàng Long