Để thực hiện giãn cách với mục tiêu chống dịch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng “mỗi tỉnh là một pháo đài” nhưng là pháo đài chống dịch chứ không thể là pháo đài kinh tế vì kinh tế cần sự liên lạc.
Ngày 14.9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã tham gia tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM.
Đã có sự lúng túng nhất định
Bà Đinh Thị Phương Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, Long An vào mùa tiêu thụ thanh long nhưng các cửa khẩu để xuất khẩu chính sang phía Trung Quốc đều đóng cửa. Các loại nông sản vụ hè - thu cũng đến kỳ thu hoạch nhưng việc áp dụng Chỉ thị 16 khiến vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng rất lớn.
Bà Thanh chia sẻ: “Trong tuần đầu thiết lập đường dây nóng, chúng tôi tiếp nhận 300 cuộc điện thoại đề nghị tháo gỡ khó khăn mỗi ngày. Chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những tuần sau công việc đi vào nề nếp nên các cuộc gọi cũng ít đi”.
Bà Thanh cho rằng, cần phải có sự linh hoạt trong chỉ đạo vì nhiều khi “giấy thông hành của Giám đốc Sở NN-PTNT ký không có hiệu lực bằng Trưởng ban chống dịch của một huyện”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần phải thay đổi tư duy phân chia vùng miền. “Giờ là lúc lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất phải cùng ngồi lại với nhau gỡ rối, chứ mỗi bên gỡ một cách lại rối thêm”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, trong bối cảnh hiện nay, người nghèo hay người giàu, nông dân hay chính quyền, đầu sản xuất hay đầu thu hoạch lưu thông cũng đều khó khăn.
“Chúng ta có lường đến những câu chuyện từ trước, nhưng đại dịch chưa có tiền lệ, việc ứng xử chưa có quy chuẩn nào, vừa đi vừa dò đường và sửa sai, hoàn chỉnh”, ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp, không thể trông mong phép màu nào để vận hành một cách bình thường trong điều kiện không bình thường. Mục đích không phải là điều tiết để có thể vận hành được như trước đại dịch mà mục đích là tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, chính quyền, doanh nghiệp.
Ông Hoan cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các cuộc họp gần đây đã phát tín hiệu chắc chắn phải chuyển nền kinh tế sang vận hành trong điều kiện bình thường mới, sống chung với COVID-19 như các nước xung quanh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thực tế, chúng ta đã có sự lúng túng nhất định ngay khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phía Nam. Thủ tướng dù lưu ý rõ việc điều hành không được cực đoan thái quá, không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh, nhưng đại dịch ập đến tạo áp lực lớn với tất cả hệ thống.
“Việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế gây ra sự chao đảo, mất cân bằng nhiều hơn so với những đợt dịch trước. Từ đây, cần rút ra bài học về tính hệ thống vùng. Sự lúng túng cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Đây là thử thách về tư duy liên kết vùng”, ông Hoan nêu.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác. “Ở đây, tôi thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ NN-PTNT khi chưa đảm đương được vai trò điều phối để làm liên lạc, nối mạch máu bị đứt gãy vận hành trong đại dịch ở khu vực. Từ đó, bài học đặt ra là phải xem lại tư duy vùng”, ông Hoan nêu.
Pháo đài chống dịch chứ không phải pháo đài kinh tế
Để thực hiện giãn cách với mục tiêu chống dịch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ cần thực hiện chủ trương “người cách ly với người, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” và “mỗi tỉnh là một pháo đài”. Nhưng, đây là pháo đài chống dịch chứ không thể là pháo đài kinh tế vì kinh tế cần sự liên lạc.
“Thương lái cũng có vai trò quan trọng trong thực thể mạch máu lưu thông. Đã là một hệ thống thực thể thì không có chính - phụ, tất cả đều phải “chạy”. Cần tư duy lại trong thời gian tới làm sao để tạo được sự liền lạc thông suốt. Muốn vậy, chính quyền địa phương và DN cần ngồi lại để cùng kiến tạo ra một không gian an toàn bởi mỗi DN có đặc thù riêng”, ông Hoan nhấn mạnh.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng đã có cơ chế giãn nợ, lãi với DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và chưa có điều kiện trả nợ. Đầu năm nay, ban hành Thông tư 03 bổ sung cho Thông tư 01.
Theo ông Tú, với diễn biến phức tạp của dịch trên diện rộng, cách đây 5 ngày, Thông tư 14 tiếp tục được ban hành để phù hợp điều kiện thực tế hiện nay.
“Chúng tôi nhận định nếu tháng 9 này, kinh tế cơ bản phục hồi được thì Thông tư 14 cơ bản xử lý được những khó khăn của DN. Nếu diễn biến phức tạp hơn, ngành ngân hàng sẽ cập nhật chính sách kịp thời. Chúng tôi thể hiện quan điểm rất rõ ràng là nhà nước luôn sát cánh cùng DN”, ông Tú nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, dịch bệnh bùng phát gây ra tình trạng nguồn hàng ở các địa phương rất dồi dào nhưng ách tắc, không buôn bán được, giá cả nâng lên. Do vậy, ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm người dân. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống phân phối truyền thống tạm dùng, hàng hóa của nông dân không có đầu ra.
Để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, TP.HCM đề xuất tiếp tục triển khai kết nối với các hệ thống phân phối để có đánh giá, so sánh, tổng hợp nhu cầu thị trường, giá cả năng lực để có thể kết nối thu mua. Thành phố cũng đã cho phép sàn thương mại điện tử cũng như DN kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoạt động trở lại.