Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp.
Thị trường và chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý

Lam Thanh 01/06/2024 13:52

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp.

Sức ép lạm phát, tỷ giá còn cao

Sáng 1.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2024 để thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có một số điểm đáng lưu ý như: cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo thang (tại Ukraine, Biển Đỏ, Dải Gaza); giá USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; chính sách tiền tệ ở nhiều nước chưa rõ xu hướng.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino; hậu quả đại dịch COVID-19 còn kéo dài; nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số nước, khu vực.

tt-1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Theo Thủ tướng, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi cục bộ, nhưng những nền kinh tế lớn là thị trường truyền thống của Việt Nam còn khó khăn. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn.

“Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể gây tác động lớn đến trong nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4, tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Điểm sáng nổi bật là công tác chỉ đạo điều hành về cơ bản chủ động, linh hoạt, phù hợp, quyết liệt, sát thực tiễn. Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó, chủ động các phương án, đảm bảo cung cấp điện trong dịp nắng nóng (dù lượng điện tiêu thụ đạt kỷ lục trên 1 tỉ KW/ngày).

Các dự án hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng được thúc đẩy mạnh; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng thể chế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức như: sức ép lạm phát, tỷ giá còn cao; thị trường bất động sản, tiếp cận tín dụng khó khăn; phản ứng chính sách ở một số nơi chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tình hình ngộ độc thực phẩm, cháy nổ, tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là an ninh mạng…

Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục “đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ”.

“Tăng trưởng tiếp tục phục hồi tích cực, nhưng dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế mới, làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực”, ông Dũng nói.

z5496617351036e1378d4f9d83031577c11f4b6fd075a0-17172121308251320291291.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Đề cập đến việc áp lực lạm phát gia tăng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết CPI tháng 5 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 5 tháng tăng 4,03%, cao hơn cận dưới mục tiêu cả năm là 4 - 4,5% và có xu hướng tăng qua từng tháng.

“Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, đồng thời do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Dũng: “Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ… Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời”. Tính đến ngày 20.5, tín dụng chỉ tăng 2,41%, tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn; tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao.

“Thị trường bất động sản đã có những chuyển biến, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tiến độ triển khai gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, cần có giải pháp thúc đẩy nhanh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, hiện tại khó khăn còn nằm ở việc một số quy định phân cấp, phân quyền còn vướng mắc; quản lý thị trường vàng, bất động sản, giá vé máy bay… còn có những bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. Một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, còn rườm rà, ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

"Khó khăn, thách thức còn rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn trước các vấn đề phát sinh; bảo đảm tiến độ công việc được giao", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Hàn Quốc
một giờ trước Sự kiện
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp, hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý