Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mở màn cho phiên chất vấn ngày 16.11. Nội dung xoay quanh công tác quan lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, chuyển giá, giải pháp quản lý an toàn nợ công...

Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn trước Quốc hội về nợ công

16/11/2017, 09:55

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mở màn cho phiên chất vấn ngày 16.11. Nội dung xoay quanh công tác quan lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, chuyển giá, giải pháp quản lý an toàn nợ công...

Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình trước Quốc hội - Ảnh chụp màn hình

Ngày 16.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Chính phủ, 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mở màn cho phiên chất vấn. Nội dung xoay quanh công tác quan lý thuế, giải quyết nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, chuyển giá, giải pháp quản lý an toàn nợ công.

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng về việc hộ kinh doanh không xuất hóa đơn; Tình trạng chuyển giá ngày càng tăng cao; những giải pháp cải cách hành chính; chống buôn lậu, hàng giả; Tình trạng nợ thuế và giải pháp khắc phục; công tác kiểm tra chuyên ngành… Trong phần giải trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần phải nhắc Bộ trưởng giải trình gãy gọn và tập trung vào câu hỏi của đại biểu hơn.

Kiểm tra chuyên ngành chồng chéo

Trả lời chất vấn về công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đầu tư cơ sở vật chất để chuyên ngành đang còn khó khăn. Hiện nay, các điểm kiểm tra chuyên ngành chỉ tư vấn, lấy mẫu mà chưa đưa ra được kết quả tại chỗ. Hiện có khoảng 200 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong đó những danh mục hàng hoá với hàng trăm mặt hàng; nhiều mặt hàng thuộc diện quản lý của nhiều Bộ, chồng chéo.

Bộ Tài chính đã xây dựng đề án giao 13 Bộ, ngành xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng giảm thiểu số lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xây dựng mã hồ sơ các mặt hàng chuyên ngành.

"28% thời gian thông quan là trách nhiệm hải quan, còn lại 72% trách nhiệm của các Bộ, ngành. Hiện các Bộ, ngành vẫn chưa trao lại quyền kiểm tra chuyên ngành cho hải quan. Không tháo được nút này thì rất ách tắc cho xuất nhập khẩu", Bộ trưởng Dũng cho biết và nhấn mạnh đây là khâu chốt quan trọng phải tháo.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với các cơ quan thành lập 10 đội kiểm tra chuyên ngành tại các địa bàn trọng yếu để thông quan nhanh và có kế hoạch nâng cấp trung tâm kiểm định của Tổng cục Hải quan thành các Cục kiểm định kèm theo phòng thí nghiệm.

Bộ trưởng Dũng cho biết với tiến độ này sẽ hoàn thành căn bản kế hoạch cải cách hành chính đặt ra trong năm nay. Tuy nhiên, với 200 danh mục hàng hoá và hàng trăm nghìn hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thì cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành. Vừa qua Bộ Tài chính đã kết nối được 41 thủ tục của các bộ, ngành và theo kế hoạch năm nay coàn 22 thủ tục nữa.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận lại Bộ trưởng và cho rằng Bộ trưởng nói rất nhiều đến sự kìm hãm tốc độ tăng nợ công, tuy nhiên, cái chính vẫn là đầu tư công. “Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả mới là xấu. Chúng ta phải bù lỗ cho nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, đồng thời ảnh hưởng xấu đến uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế”.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng Bộ trưởng chưa đi sâu vào giải pháp cho việc cải cách thu tục hải quan đang rất rườm rà hiện nay. Ví dụ như vụ thuốc ung thư, người bệnh cận kề cái chết nhưng không có thuốc dùng, phải hủy bỏ.

Nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn

Trả lời chất vấn về nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn và thời gian tới phải có lộ trình để tránh bội chi trong áp lực nợ công.

Bộ Tài chính đã có các báo cáo các cơ quan liên quan để kiểm soát tình trạng này. Quốc hội đã ra Nghị quyết về kế hoạch tài chính trung hạn, có các giới hạn cho nợ công như trần nợ công không quá 65%,nợ Chính phủ không quá 54%...Có các gải pháp tăng cường quản lý nợ công như cải cách thế chế, thảo luận và thông qua luật quản lý sửa công sửa đổi, tăng cường quản lý ODA… Thời gian tới, đầu tư dự án từ vốn vay chỉ dành cho các dự án quan trọng, có tác dụng lan tỏa; Tăng cường thanh tra kiểm tra trong đầu tư công, hợp tác đầu tư, đấu thầu, kiểm soát, kiểm toán…

Bên cạnh đó, xác định rõ bội chị và lộ trình cắt giảm bội chi ngân sách hướng tới năm 2018 giảm còn 3,7%; năm 2019 là 3,6% và 2020 giảm xuống 3,4%; Siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Từ năm trước đến nay đã không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, chỉ giải ngân những dự án bảo lãnh trước đó. Đặc biệt các dự án của doanh nghiệp, 2 ngân hàng chính sách chỉ bảo lãnh phát hành ngang dư nợ.

Giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn 300.000 tỉ đồng cả giai đoạn đến năm 2020. Có vấn đề phát sinh nhưng đến nay là năm thứ 2, đến năm 2018 vẫn nằm trong kế hoạch. Đảm bảo cân đối, bố trí trả nợ đúng hạn đã có trong kế hoạch cụ thể.

Thời gian qua, nợ công bước đầu được cơ cấu, kiểm soát tương đối kết quả. Nợ công vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép, bước đầu kiềm được độ gia tăng, nâng được ký hạn phát hành trái phiếu. Nợ công vẫn cần được kiểm soát chặt nhưng bước đầu, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra kiểm soát đều đang làm tốt.

Chuyển giá xuất hiện ở mọi khâu

Về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng cho biết chính sách thuế áp dụng cho hộ kinh doanh đã có quy định khá đầy đủ. Từ 2015 sửa đổi thuế theo hướng đơn giản, thuế cho các hộ kinh doanh là khoán.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng mgười mua hàng ít lấy hóa đơn, lại có thói quen trả tiền mặt. Trong thời gian tới cần tuyên truyền, xử lý vấn đề này. “Chúng tôi đang xây dựng hóa đơn điện tử, đã triển khai thí điểm ở một số địa phương và có kết quả tốt”.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân mua hàng phải lấy hóa đơn. Tiến tới, khi thành lập doanh nghiệp là phải có hóa đơn kết nối với cơ quan thuế. Đẩy mạnh đề án không dùng tiền mặt,kết nối với ngân hàng Nhà nước.

Đề cập đến việc chuyển giá, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề bức xúc của xã hội. Ngay từ năm 1995 đã có văn bản để kiểm soát chuyển giá và năm 2017, Bộ đã tình Chính phủ ban hành Nghị định số 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp phát sinh liên kết.

Cơ quan thuế cũng đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, tổng số thuế truy thu, truy hoàn 1.310 tỉ đồng, giảm lỗ 1.983 tỉ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỉ đồng; Năm 2017 kiểm tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, truy hoàn, tiền phạt 3.085 tỉ, giảm lỗ 6.812 tỉ, giảm khấu trừ 265 tỉ đồng.

Bộ trưởng cho biết chuyển giá không phải đơn thuần chỉ trong quá trình sản xuất kinh doanh mà ngay từ khâu đầu tư đã chuyển giá khi mua dây chuyền sản xuất với giá thấp, khai giá cao. Do đó, cần có sự đồng bộ giữa các ngành để quản lý tốt hơn.

‘Ngân sách đội nón ra đi có phần chảy vào túi cán bộ’
Nêu câu hỏi cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối: “Ngân sách nhà nước một phần đội nón ra đi trong khi một phần chảy vào túi cán bộ, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỉ đồng. Trách nhiệm này thuộc công chức hải quan nhưng Bộ trưởng nói thời gian thông quan hải quan chỉ là 28% còn 72% là các bộ ngành khác”.

Ông Chiến dẫn ra vụ án ở cảng Sài Gòn có 213 containers biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa nhưng không có cán bộ ngành nào khác. Trong vụ Trần Thị Bích tuần qua bắt 2 cán bộ hải quan thuộc chi cục 4 tiếp tay cho buôn lậu.

Đại biểu này nêu rõ: Trách nhiệm của bộ trưởng và ngành hải quan đến đâu? Nguyên nhân do quản lý nơi lỏng hay suy thoái đạo đức, giải pháp nào có thể chấm dứt tình trạng tham nhũng này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chiến, Bộ trưởng Dũng cho biết, vụ án ở cảng Sài Gòn có 213 containers biến mất chính là do phát hiện từ Tổng cục Hải quan và phối hợp với cơ quan công an.

"Chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Có vụ việc ở hải quan An Giang, bắt một lúc 46 cán bộ hải quan, cũng là Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với lực lượng công an. Lãnh đạo 2 bộ trực tiếp trao đổi, quyết tâm làm rõ. Làm đến doanh nghiệp thì đụng đến cán bộ hải quan, phải chấp nhận và xử lý. Tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực, trong ngành và ngoài ngành".

Bộ trưởng cho biết, hàng năm xử lý kỷ luật cán bộ thuế, hải quan trên dưới 300 cán bộ. "Nguyên nhân không đổ cho khách quan mà nhìn trực diện, suy thoái trong nội bộ. Bộ quyết tâm để rà soát, xử lý. Đồng thời cũng phải rà soát lại các chính sách, quy trình, và quyết tâm thực hiện", tư lệnh ngành tài chính nói.

Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu huỷ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, qua kiểm tra lô hàng này hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng, theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành.

Ngày 6.8.2014 sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, công ty đã làm việc với hải quan và hải quan đã thông quan ngay trong ngày. "Việc chậm trễ là do chậm kiểm tra chuyên ngành", ông Dũng nói.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn trước Quốc hội về nợ công