Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường trong khoảng thời gian 1 tuần xem xét theo những qui định hiện hành cấp giấy chứng nhận cho Nhà máy Lee & Man hoạt động chính thức
Chiều ngày 19.10 tại trụ sở Ban quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các địa phương có liên quan về việc bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án “Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (công suất 420.000 tấn giấy/năm)” của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng đã thay mặt Tổ giám sát báo cáo kết quả giám sát quá trình vận hành thử nghiệm và kiểm tra việc hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với Dự án “Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (công suất 420.000 tấn giấy/năm)” của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam… Trong quá trình Dự án vận hành thử nghiệm, Nhóm Kỹ thuật thường trực đã tiến hành giám sát thường xuyên hoạt động của các công trình bảo vệ môi trường; định kỳ hàng tuần gửi báo cáo đến Tổ giám sát. Tổ giám sát (có đại diện trong Nhóm Kỹ thuật thường trực) định kỳ 01 tháng/lần tổ chức kiểm tra hoạt động của Nhà máy và các công trình bảo vệ môi trường; định kỳ 01 tháng/lần báo cáo Lãnh đạo Bộ và UBND tỉnh Hậu Giang kết quả giám sát quá trình vận hành thử nghiệm của Dự án.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết: Đến nay, Công ty đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường của Dự án theo nội dung Báo cáo ĐTM (lập lại) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; đồng thời đã thực hiện một số hạng mục bảo vệ môi trường bổ sung theo yêu cầu của Tổ giám sát. Từ đó,Tổng cục Môi trường đề nghị Bộ trưởng cho phép Tổng cục tiến hành thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với Dự án theo quy định để nhà máy đi vào hoạt động chính thức.
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân- nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, hiện nay trên sông Hậu không chỉ có Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang mà còn có nhiều nhà máy khác cũng xả thải, vì vậy phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất, không nên để xảy ra sự cố mới đi xử lý.
Còn ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết đến nay Hiệp hộp có thể yên tâm vì Nhà máy giấy Lee & Man không sản xuất bột giấy. Theo ông Hoè, Nhà máy cần kiểm soát ngay từ đầu phế thái sản xuất và cần làm rõ hơn vấn đề kim loại nặng trong nước thải. Nhà máy cần lắp đặt thêm hệ thống kiểm soát và xử lý triệt để lượng khói và bụi trong quá trình sản xuất để người dân xung quanh yên tâm. Cũng theo ông Hoè, cần công khai rõ các doanh nghiệp xử lý chất thải, rác thải của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang. Các doanh nghiệp này phải có đủ khả năng, năng lực để xử lý tốt chất thải của Nhà máy, đặc biệt là chất thải nguy hại.
Theo Dân Trí, trong phần kết luận tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu: "Từ những đánh giá, nhận xét của lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, Hiệp hội và đặc biệt người dân sống quanh Nhà máy Lee & Man, tôi cảm thấy an tâm và chúc mừng nhà máy đã có những bước tiến và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Dựa trên kết quả này, tôi giao Tổng cục Môi trường trong khoảng thời gian 1 tuần xem xét theo những qui định hiện hành cấp giấy chứng nhận cho Nhà máy Lee & Man hoạt động chính thức".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã đặt ra yêu cầu 5 vấn đề đối với Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang cần phải đặc biệt lưu ý triển khai trước khi vận hành sản xuất chính thức, đó là:
Thứ nhất, làm thế nào để hệ thống xử lý chất thải, nước thải đã được đầu tư bài bản phải duy trì sự vận hành liên tục, hiệu quả trong suốt quá trình sản xuất của Nhà máy sau này.
Thứ hai, Nhà máy cần phải sớm ban hành quy trình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống xử lý toàn bộ các chất thải, nước thải của nhà máy.
Thứ ba, trong vòng 6 tháng Nhà máy phải xây dựng và phê duyệt được các định mức về kinh tế - kỹ thuật như vật tư, hoá chất, năng lượng, nước…và quản lý hệ thống định mức này theo các tiêu chuẩn ISO. Các số liệu này đều phải được công khai để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Thứ tư, Nhà máy cần sớm có biện pháp xử lý triệt để mùi hôi bốc ra trong quá trình sản xuất. Hiện tại người dân vẫn có ý kiến phản ánh tình trạng có mùi hôi bốc ra từ Nhà máy trong khoảng thời gian ban đêm.
Thứ năm, cần công khai, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của Nhà máy; đặc biệt là các chất thải như xỉ than, tro bay, xỉ đáy lò…Cần kiểm tra các doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật để xử lý chất thải của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang hay không.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu cần phải cụ thể hoá các cam kết bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang; đồng thời, Bộ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với tỉnh Hậu Giang thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam.
Trước đó, trong buổi sáng 19.10, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tại Xưởng sản xuất chính; Trạm nhiệt điện; Hồ chỉ thị sinh học; Khu vực xử lý nước thải; Kho chứa bùn... đồng thời Bộ trưởng đã đến thị trấn Mái Dầm để lắng nghe nhận xét của người dân địa phương về công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam.
P.V