Bộ TT-TT khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất, phổ biến các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web độc hại; Xây dựng đề án bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác trên không gian mạng...

Bộ TT-TT triển khai nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

17/03/2020, 17:35

Bộ TT-TT khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất, phổ biến các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web độc hại; Xây dựng đề án bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác trên không gian mạng...

Ảnh: Internet

Theo thông tin từ Bộ TT-TT, Bộ TT-TT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung phản ánh: “Đề nghị Nhà nước có biện pháp quản lý nội dung trên các mạng xã hội để học sinh, sinh viên có môi trường nghiên cứu, học tập được trong sạch, lành mạnh, bổ ích”.

Trước phán ảnh này, Bộ TT-TT cho biết, để ngăn chặn việc phát tán, chia sẻ các trang web, tài khoản, nội dung thông tin xấu, độc, thời gian qua, Bộ TT-TT đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp như xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm...

Đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp, các quy định của pháp luật hiện hành; quy định bắt buộc tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ thông tin xấu độc. Qua theo dõi, Bộ TT-TT nhận thấy vi phạm trên các mạng xã hội này là không phổ biến.

Đối với mạng xã hội nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook và Youtube, Bộ TT-TT đã và đang tích cực đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với Việt Nam, yêu cầu họ gỡ bỏ những nội dung không phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, yêu cầu có giải pháp quản lý các nội dung dành cho trẻ em, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tác động tiêu cực của mạng xã hội nói riêng và của Internet nói chung để trẻ em và đặc biệt là các bậc phụ huynh biết, hướng dẫn con em mình lựa chọn những chương trình, nội dung phù hợp, bổ ích và biết tự bảo vệ thông tin bí mật riêng tư của mình và của con em mình khi tham gia mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ TT-TT khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu và tập trung triển khai một số giải pháp. Trong đó, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo hướng bổ sung trách nhiệm của các trang tin, mạng xã hội (bao gồm cả các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam), bổ sung điều kiện kỹ thuật, đảm bảo có giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, cảnh báo và tiếp nhận cảnh báo đối với các nội dung không phù hợp với trẻ em, có các hình thức báo vi phạm dễ nhận biết; bổ sung quy định về thu thập thông tin cá nhân liên quan đến trẻ em (phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ).

Khuyến khích các công ty công nghệ sản xuất, phổ biến các phần mềm, chương trình giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em sử dụng máy tính truy cập các trang web độc hại. Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng chú trọng tới việc xây dựng đề án bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác trên không gian mạng...

Gần đây nhất, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, 2 đơn vị trên sẽ xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng hoạt động vì trẻ em; tạo thành quy trình hài hòa nhằm phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Điều 73 Luật Công nghệ thông tin quy định Nhà nước, xã hội và nhà trường có trách nhiệm bảo vệ trẻ em chống lại những tác động tiêu cực của thông tin trên môi trường mạng và có biện pháp ngăn ngừa và xử lý các ứng dụng công nghệ thông tin với nội dung gây hại trẻ em; xây dựng và phổ biến bộ công cụ (phần mềm) để lọc nội dung gây hại trẻ em; nhà cung cấp dịch vụ có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập vào nội dung không có lợi cho trẻ em.

Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 5 Luật Xuất bản, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 đều có các quy định về nghiêm cấm cung cấp, trao đổi, truyền bá, tàng trữ hoặc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của các tổ chức, hay danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 và Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29.12.2014 đã có quy định về quản lý trò chơi trực tuyến bảo vệ trẻ em khỏi các ảnh hưởng tiêu cực như: hạn chế giờ chơi, đăng ký thông tin cá nhân, dán nhãn trên màn hình phân loại độ tuổi, thẩm định nội dung trò chơi điện tử (G1) trước khi phát hành, quy định khoảng cách của điểm cung cấp trò chơi công cộng đến cổng trường học.

Thu Anh

Bài liên quan
Mark Zuckerberg không phải chịu trách nhiệm cá nhân trong 25 vụ kiện Facebook, Instagram gây hại cho trẻ em
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, không phải chịu trách nhiệm cá nhân trong hàng tá vụ kiện cáo buộc ông che giấu công chúng rằng Facebook và Instagram gây hại cho trẻ em, theo phán quyết từ thẩm phán liên bang Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ TT-TT triển khai nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng