Sáng 20.7, tại buổi họp báo thường kỳ, Bộ Tư pháp đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến việc bồi thường hơn 600 tỉ của ông Đinh La Thăng và đề xuất chia sẻ phí dữ liệu dân cư của Hà Nội.

Bộ Tư pháp nói gì về việc bồi thường 600 tỉ của ông Đinh La Thăng?

Trí Lâm | 20/07/2018, 14:21

Sáng 20.7, tại buổi họp báo thường kỳ, Bộ Tư pháp đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến việc bồi thường hơn 600 tỉ của ông Đinh La Thăng và đề xuất chia sẻ phí dữ liệu dân cư của Hà Nội.

PVN chưa gửi đơn yêu cầu đền bù 600 tỉ

Trả lời về việc thi hành bản án dân sự buộc ông Đinh La Thăng bồi thường hơn 600 tỉ đồng, ông Nguyễn Thanh Thủy (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) cho biết tòa án mới chuyển hồ sơ qua cơ quan thi hành án, để thực hiện các bước theo quy trình để thu hồi tài sản.

Ông Thủy cho rằng việc thu hồi tài sản trong bản án này phải chờ đơn yêu cầu của phía bị hại trong vụ án, đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hiện, phía PVN chưa gửi đơn yêu cầu.

"Nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy bản án chưa áp dụng biện pháp bảo đảm để thu hồi tài sản. Trong quá trình thi hành án, chúng tôi sẽ xác minh tài sản đối với trường hợp của ông Đinh La Thăng. Hiện chưa có kết quả cụ thể nên chúng tối tiếp tục thông tin sau", vị Phó tổng cục trưởng cho hay.

Trước đó, chiều 26.6, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) và 6 bị cáo trong vụ PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Theo đó, chủ tọa tuyên y án với 6 bị cáo, trong đó Đinh La Thăng lĩnh 18 năm tù, cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng hợp hình phạt bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù. Riêng bị cáo Phan Đình Đức được giảm từ 15 tháng cải tạo không giam giữ xuống mức cảnh cáo.

Ngoài ra, tòa tuyên ông Đinh La Thăng và 5 bị cáo khác phải bồi thường 785 tỉ đồng cho PVN. Trong đó, ông Thăng phải bồi thường 630 tỉ, Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỉ, Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỉ, Nguyễn Xuân Sơn bồi thường 15 tỉ đồng.

Thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực đã trả lời một số nội dung liên quan đến việc Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư.

Theo ông Khanh, cơ sở dữ liệu dân cư được thu thập 15 trường thông tin, trong đó có tới 9 trường thông tin hộ tịch như: khai sinh, kết hôn, khai tử,...

“Thông tin hộ tịch được cập nhật thường xuyên. Thông tin này được bảo mật với cơ sở hộ tịch nói chung và cá nhân nói riêng. Điều này đã quy định rõ trong Luật Hộ tịch về việc bảo mật thông tin hộ tịch. Việc bảo mật thông tin hộ tịch được quy định rõ trong Điều 59 và Điều 61 của Luật Hộ tịch”, ông Khanh nói.

Cụ thể, Điều 61 Luật Hộ tịch quy định: Cơ sở dữ liệu hộ tịch được quản lý, bảo mật, bảo đảm an toàn; chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được tiếp cận và khai thác theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm bí mật cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

“Do đó, các cơ quan có thẩm quyền mới được phép khai thác thông tin hộ tịch, nhưng cơ quan nào chưa nằm trong quy định nếu tự ý khai thác sẽ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, công chức làm công tác hộ tịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lộ thông tin của người dân trong trình đăng ký hộ tịch", ông Khanh nhấn mạnh.

Bộ Tư pháp khẳng định, việc khai thác thông tin về hộ tịch phải tuân theo quy định của pháp luật, không thể khai thác tự do.

Trước đó tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP.Hà Nội thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu dân cư với một số lĩnh vực như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm TP.Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, việc này không vi phạm luật, bởi thực tế chứng minh thư đi đâu cũng phải xuất trình. Còn đơn vị muốn có thông tin thì phải được phép thì mới được truy cập. Việc này có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho ngành kinh tế.

Cơ sở dữ liệu dân cư là những thông tin như trong chứng minh nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu gồm khoảng bảy thông số, không phải những thông tin về bí mật đời tư, cá nhân. Thông tin này không chỉ dùng trong ngành công an mà chia sẻ cho các ngành như ngân hàng, đơn vị hành chính, đơn vị công chứng…

Theo luật dân cư, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư hiện nay giao cho Bộ Công an; theo Luật phí và Lệ phí quy định thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư do Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an thực hiện phải đến 2020 – 2021 mới xong, trong khi Hà Nội đã thực hiện xong.

Thay vì chờ Bộ Công an thì Hà Nội đề xuất dựa trên quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì việc quản lý dân cư do thẩm quyền Chủ tịch UBND TP và Chủ tịch UBND TP được ban hành giá.

Về việc bảo mật tránh bị khai thác thông tin vào mục đích xấu, ông Chung khẳng định là không bao giờ lộ và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ví dụ như cấp cho một đơn vị làm công chứng thì chỉ có đơn vị đó mở được. Hệ thống mạng dữ liệu sẽ kiểm soát được, truy vết được ngày nào, ai mở xem và mở cái đó nhằm mục đích gì. Người khác chỉ mở được khi người dân cung cấp đúng mã.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp nói gì về việc bồi thường 600 tỉ của ông Đinh La Thăng?