Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng việc đầu tư dự án cáp treo vượt sông Hồng do Tập đoàn Poma đề xuất trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp.

Hà Nội tiếp tục bác đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng của tập đoàn Poma

Trí Lâm | 20/07/2018, 14:20

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng việc đầu tư dự án cáp treo vượt sông Hồng do Tập đoàn Poma đề xuất trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Sở đã báo cáo UBND TP.Hà Nội về đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng phục vụ vận tải công cộng của Tập đoàn Poma.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc đầu tư dự án cáp treo do Tập đoàn Poma đề xuất trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp. Cụ thể, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch chung phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều không đề cập đến loại hình vận tải hành khách công cộng bằng cáp treo như nhà đầu tư đề xuất.

Trước đó, Tập đoàn Poma - một doanh nghiệp chuyên thi công cáp treo tại Pháp đã đề xuất xây dựng cáp treo với điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm) chạy qua sông Hồng nối với điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).

Theo đề xuất của Tập đoàn Poma, ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo vận tải hành khách công cộng qua sông Hồng nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nội đô, nhất là tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm của 3 cầu Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy.

Lộ trình tuyến trên có chiều dài trên 5km, trong đó có khoảng 1,2km cáp treo vượt sông Hồng, khoảng 4km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất.

Nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cáp treo, các cabin sẽ dịch chuyển trên không thông qua những dây cáp. Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 - 100m. Mỗi cabin có sức chứa từ 25 - 30 khách, trung bình mỗi giờ sẽ vận chuyển được khoảng 7.000 lượt khách.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông cho biết loại hình cáp treo chỉ phù hợp với các khu du lịch và chưa nước nào làm cáp treo để vận chuyển hành khách, giảm ùn tắc.

"Dự án cáp treo qua sông Hồng bất khả thi vì khả năng vận chuyển thấp. Tôi cho rằng, việc vận chuyển tối đa là 7.000 lượt hành khách mỗi giờ thì không thể làm giảm ùn tắc giao thông hai bên sông Hồng. Ngoài ra, chi phí đầu tư cáp treo lớn, phải bảo trì thường xuyên nên không thích hợp làm phương tiện công cộng", ông Liên nói.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nếu làm cáp treo trong nội đô thì rất tốn kém, hiệu quả lại không cao. Thông thường, chỉ làm cáp treo nơi có địa hình hiểm trở, hoặc đi trên núi, qua biển phục vụ du lịch. Khi đi tham quan, du lịch, người dân mới sẵn sàng trả phí cao để đi cáp treo còn việc dùng để di chuyển hàng ngày, đi làm là điều khó có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, ông Thủy cho rằng, năng suất vận chuyển của loại hình cáp treo rất thấp, chỉ 3.000 - 4.000 người/giờ, không giúp giảm tải nhiều trong vấn đề ùn tắc giao thông.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội tiếp tục bác đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng của tập đoàn Poma