Theo ông Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp, việc cộng đồng khởi nghiệp kiến nghị về điều luật 292 Bộ luật Hình sự cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở tham khảo của các bộ ngành, nhất là các cơ quan thực thi pháp luật để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Bộ Tư pháp rà soát lại 'điều luật rào cản’ doanh nghiệp khởi nghiệp

Thu Anh | 21/07/2016, 05:06

Theo ông Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp, việc cộng đồng khởi nghiệp kiến nghị về điều luật 292 Bộ luật Hình sự cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở tham khảo của các bộ ngành, nhất là các cơ quan thực thi pháp luật để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Trong thời gian gần đây, đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đã trực tiếp kiến nghị và gửi Bộ Tư pháp đề nghị rà soát lại điều 292 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 - tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Đặc biệt, điều khoản làm cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp băn khoăn chính là quy định tại điểm e khoản 1 điều 292: “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, vì cho rằng quy định này có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng nên không khuyến khích, thậm chí là “rào cản” đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo ông Trần Tiến Dũng, ngay sau khi nhận được các kiến nghị nêu trên, Bộ Tư pháp đã khẩn trương nghiên cứu, rà soát các điều luật liên quan đến kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp để đề xuất phương án xử lý phù hợp. Qua rà soát bước đầu, Bộ Tư pháp nhận thấy:

Thứ nhất, điều luật này được bổ sung trên cơ sở đề xuất của các cơ quan thực thi pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng internet để phạm tội trong thời gian vừa qua. Điều luật này cũng đã được lấy ý kiến của các bộngành hữu quan và các bộ ngành này đều thống nhất với quy định tại điều 292 BLHS 2015.

Thứ nhì, mục đích của quy định này nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh lành mạnh (trong đó có hoạt động kinh doanh sử dụng mạng máy tính, mạng internet) đúng pháp luật; răn đe, phòng ngừa các vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực kinh doanh này. Theo đó, BLHS năm 2015 đã bổ sung điều 292 quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông để xử lý đối với hành vi cung cấp trái phép trên mạng (tức là không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được cấp phép) một trong các dịch vụ sau đây: (1) kinh doanh vàng trên tài khoản; (2) sàn giao dịch thương mại điện tử; (3) kinh doanh đa cấp; (4) trung gian thanh toán; (5) trò chơi điện tử trên mạng; (6) các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật. Theo khoản 1 điều 292, chỉ xử lý hình sự về tội này trong trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên. Nếu dưới mức này thì sẽ xử lý bằng các biện pháp khác.

Thứ ba, về nội dung kiến nghị của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp về đề nghị rà soát lại điều 292, nhất là quy định tại điểm e khoản 1 điều 292, Thứ trưởng Dũng cho rằngđề xuất này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở tham khảo của các bộngành, nhất là các cơ quan thực thi pháp luật để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

“Đối với điều 292 trong BLHS, Bộ Tư pháp sẽ có công văn gửi Bộ Thông tin -Truyền thông, Bộ Kế hoạch -Đầu tư đề nghị các bộ cùng nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, gửi kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, VCCI để trao đổi, thảo luận kỹ các nội dung nêu trên trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định”, Thứ trưởng Dũng khẳng định.

Điều 292: Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:

a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;

b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

c) Kinh doanh đa cấp;

d) Trung gian thanh toán;

đ) Trò chơi điện tử trên mạng;

e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp rà soát lại 'điều luật rào cản’ doanh nghiệp khởi nghiệp