Từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 3.393 văn bản và phát hiện, kiến nghị xử lý 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.

Bộ Tư pháp “tuýt còi” 69 văn bản trái pháp luật

Lam Thanh | 13/09/2021, 17:13

Từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 3.393 văn bản và phát hiện, kiến nghị xử lý 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.

Chiều 13.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết… năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản.

Theo đó, Bộ phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung; 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Trong số văn bản trái pháp luật đã phát hiện, không có văn bản quy định chi tiết.

botp.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Ông Long cũng cho biết, tại các phiên họp, Thủ tướng đã nhắc nhở trực tiếp các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định đó là một trong những tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập như công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Ông Long nêu rõ, về nguyên nhân khách quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản. Một số luật giao quy định chi tiết nhiều nội dung, trong đó có những vấn đề phức tạp, phải chờ ý kiến của các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, Chính phủ, các bộ, địa phương phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, xây dựng chính sách pháp luật ứng phó với dịch COVID-19.

Nguyên nhân chủ quan là nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn hạn chế. Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại một số bộ ngành và các địa phương còn thiếu, ở địa phương phần lớn kiêm nhiệm…

Nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh cần ưu tiên xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và 2022.

Trong đó, đặc biệt là các dự án luật để thể chế hóa các Văn kiện Đại hội 13; tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, pháp lệnh…

Bộ trưởng Long nhấn mạnh trong giai đoạn soạn thảo cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tránh lợi ích cục bộ; kiểm soát chặt chẽ các quy định, thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; chú trọng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của văn bản…

Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến giải pháp đề cao tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Gắn kết công tác kiểm tra, rà soát, pháp điển với công tác xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật.

Theo đó, ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh, triển khai thực hiện Hiến pháp và ban hành văn bản quy định chi tiết; củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật.

quoc-hoi.jpg
Cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đại diện cơ quan thẩm tra, đánh giá việc ứng phó với tình hình dịch COVID-19 thời gian qua ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa bảo đảm sự thống nhất.

Theo đó, Chính phủ cần bổ sung đánh giá cụ thể hơn về việc tuân thủ tính kịp thời, đầy đủ trong tổ chức triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua trong năm 2020 - 2021 của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung đánh giá cụ thể hơn về một số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện và nêu ra tại một số báo cáo giám sát của cơ quan của Quốc hội trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Một số ngành còn chưa chủ động trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do mình tham mưu để trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Ngoài ra, một số luật, pháp lệnh đã ban hành và tổ chức thực hiện từ lâu, đòi hỏi phải có sơ kết, tổng kết việc thực hiện để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; cần đánh giá về tình hình theo dõi thi hành pháp luật và quan tâm hơn nữa để có sự gắn kết đồng bộ giữa việc theo dõi, rà soát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết văn bản với việc xây dựng và thực hiện pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh về vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản, báo cáo chưa chỉ ra cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đã thực hiện như thế nào; giải pháp mà báo cáo nêu ra là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp “tuýt còi” 69 văn bản trái pháp luật