Bộ Xây dựng vừa nêu quan điểm liên quan đến vấn đề một số doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc có nhu cầu đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội về việc mua lại cả tòa nhà để làm ký túc xá cho công nhân.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời các kiến nghị, đề xuất được Bộ Công Thương tổng hợp sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang.
Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt vấn đề về việc một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có lượng công nhân và người lao động lớn có nhu cầu đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho người lao động của mình, có nhu cầu mua lại cả tòa nhà, đứng tên doanh nghiệp, để làm ký túc xá cho công nhân ở.
Song, theo quy định tại điều 49, Luật Nhà ở 2014 và điều 22, Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì doanh nghiệp không phải đối tượng để được mua nhà ở xã hội. Do đó, việc các doanh nghiệp sản xuất đề xuất mua nhà ở đất ở thuộc các dự án nhà ở xã hội để cho các công nhân, người lao động thuộc đơn vị thuê là không có cơ sở để giải quyết.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định, thông tư) để các doanh nghiệp được mua nhà ở xã hội để cho công nhân, người lao động của mình thuê lại.
Địa phương này cũng đề nghị sửa đổi Nghị định số 49/2021 của Chính phủ bổ sung quy định chuyển tiếp cho các dự án trước đây phải thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền theo hướng cho phép các dự án này được áp dụng quy định tại khoản 2, khoản 3, điều 2 Nghị định số 49/2021 (dự án có quy mô dưới hạn mức theo quy định, chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai).
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết hiện tại khoản 12 điều 73 của dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở 2014 do Chính phủ trình Quốc hội đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại.
Ngoài ra, pháp luật về nhà ở cũng chỉ quy định trường hợp chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền theo quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (không có quy định yêu cầu chủ đầu tư phải nộp thêm khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước).
Bộ Xây dựng nêu rõ các nội dung chuyển tiếp cho các dự án trước đây phải thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền cũng thống nhất với quy định tại khoản 4 điều 1 Nghị định 49/2021.
Cụ thể, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại 1 hoặc nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại 2 và loại 3 thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài các kiến nghị trên, Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng thống nhất sớm có văn bản hướng dẫn địa phương để thực hiện các dự án quy mô dưới 20ha đã được quyết định chủ trương đầu tư; ký hợp đồng thực hiện dự án với UBND tỉnh nhưng chưa được nhà nước giao đất.
Theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì hiện nay các dự án này không được xác định là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai là tiếp tục thực hiện theo hình thức nhà nước thu hồi đất hay phải thực hiện theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng.
Theo Bộ Xây dựng, bộ đã phối hợp Bộ TN-MT sửa đổi nội dung này trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Đối với các dự án được xác định là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại quy hoạch xây dựng, chủ trương đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quyết định hoặc chấp thuận trước thời điểm nghị định này có hiệu lực mà không đáp ứng quy mô quy định tại khoản 1 mục VII phụ lục IX Nghị định 15/22021/NĐ-CP thì không yêu cầu thực hiện các quy định riêng về khu đô thị theo quy định của nghị định này.
Việc phân loại dự án khu đô thị (theo quy định tại phụ lục IX Nghị định 15/22021/NĐ-CP) không áp dụng để xác định dự án xây dựng khu đô thị mới thuộc đối tượng thu hồi đất theo quy định tại điều 62 Luật Đất đai năm 2013; các nội dung liên quan đến pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu thầu đối với khu đô thị, khu đô thị mới được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu thầu.