Suốt mấy tháng qua, vấn nạn hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu đã khiến tình trạng hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành “nạn” thế kỷ. Hơn một triệu dân nơi đây rơi vào cảnh điêu đứng vì lúa chết khô, hoa màu mất trắng. Con người cũng khó sống nổi vì “khát” nước sinh hoạt. Thanh niên lần lượt rời bỏ quê đi nơi khác kiếm sống. Xóm vắng, chỉ còn lại người già và trẻ con đùm bọc nhau tồn tại qua ngày.

Bỏ xứ tha phương vì vấn nạn hạn, mặn

DDVN | 02/05/2016, 12:14

Suốt mấy tháng qua, vấn nạn hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu đã khiến tình trạng hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành “nạn” thế kỷ. Hơn một triệu dân nơi đây rơi vào cảnh điêu đứng vì lúa chết khô, hoa màu mất trắng. Con người cũng khó sống nổi vì “khát” nước sinh hoạt. Thanh niên lần lượt rời bỏ quê đi nơi khác kiếm sống. Xóm vắng, chỉ còn lại người già và trẻ con đùm bọc nhau tồn tại qua ngày.

Mặc dù phía Trung Quốc đã xả nước ở thượng nguồn sông Mê Kông nhưng về được tới Việt Nam thì lượng nước chẳng còn lại được bao nhiêu. Thậm chí những địa phương như Sóc Trăng, Cà Mau đất đai, đồng ruộng vẫn khô cháy vì không có nổi một giọt nước. Có những nơi đất bị sụt lún do tình trạng khô hạn kéo dài. Chưa bao giờ người ta lại thấy nước mắt của người dân vùng ĐBSCL mặn chát như bây giờ.

Từng được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cả năm người nông dân nơi đây trông chờ ở mấy công lúa, nhưng đến vụ thu hoạch thì cánh đồng chỉ như một vùng cỏ cháy. Hoa màu, cây ăn trái là “chén cơm” thứ hai của người dân cũng bị thiên nhiên vô tình cướp mất. Dù xét cho cùng, nguyên nhân dẫn tới những diễn biến khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường một phần cũng bởi bàn tay con người mà ra cả.

Nước bị nhiễm mặn nặng nề khiến cuộc sống của người dân cũng bị xáo trộn nghiêm trọng. Nấu cơm, nước ngả sang màu vàng, còn pha trà nước chuyển thành màu đen. Nước ngọt ở miền Tây mùa này quý hơn vàng. Để có được một khối nước ngọt, người dân phải bỏ ra 100 ngàn đồng, sau đó lại phải tốn thêm 100 ngàn nữa để thuê xe ba gác chở về.

Người mua ít thì cũng mất 5 ngàn đồng mới có được 20 lít nước, công thuê xe ôm chở về còn mất thêm 10 ngàn đồng. Nhiều nơi dân phải đi xa hàng cây số để hứng từng giọt nước ở những cột nước công cộng hiếm hoi, có khi phải buồn bã ra về tay không chỉ vì quá đông người xếp hàng đợi lấy nước. Cuộc sống quá khắc nghiệt, người trẻ trong xóm nghèo kéo nhau lên hết các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… để kiếm việc làm thuê, sống qua ngày đoạn tháng. Có gia đình vợ chồng dắt díu nhau đi, bỏ lại cha mẹ già ở lại xóm nghèo, có gia đình bồng bế theo cả đám con nhỏ vì không nỡ để chúng ở lại. Cả làng quê hắt hiu, xơ xác vì hạn, mặn.

Chỉ vì không có tiền thuê nhà, hàng chục hộ gia đình từ khắp các tỉnh miền Tây phải dựng tạm lều bạt ven những vườn tràm thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để trú mưa trú nắng. Công việc hằng ngày là chặt mía thuê, dọn vườn hoặc bốc vác. Nặng nhọc, vất vả, tiền công bèo bọt nhưng họ vẫn phải cố bám trụ vì về quê bây giờ cũng không thể sống nổi.

Hạn, mặn gần như đã triệt đường sống của người nông dân miền Tây. Chưa năm nào người dân vùng ĐBSCL phải tha phương cầu thực nhiều như năm nay. Chỉ riêng một ấp với 900 hộ dân thuộc tỉnh Sóc Trăng thì đã có đến 100 hộ bỏ làng đi. Hay ở một xã hơn 3.000 hộ dân của tỉnh Bến Tre thì đã có hơn 300 người rời quê hương lên thành phố kiếm sống.

Hầu hết những gia đình phải bỏ xứ ra đi đều là hộ nghèo, họ phải vay mượn để trồng lúa, hoa màu, nuôi tôm, nhưng đến nay thì mất trắng cả, chỉ riêng món nợ ngân hàng là còn ở lại. Kẻ bỏ xứ đi kiếm ăn nơi khác đã tội mà những người ở lại quê nghèo còn xót xa hơn nữa. Người già lầm lũi nuôi trẻ nhỏ trong những căn nhà tuềnh toàng, chống chịu từng ngày với cái đói cái khát.

Cho đến nay, mặc dù đã xuất hiện mưa đầu mùa ở một số tỉnh như Bến Tre hay TP.Cần Thơ thế nhưng hạn, mặn vẫn còn quá khắc nghiệt, khiến cho cây lúa, cây ăn trái, tôm cá của miền Tây đều bị thiệt hại nặng nề. Và không biết sẽ còn có thêm bao nhiêu con người phải tiếp tục bỏ xứ, tha phương vì hạn, mặn?

Hải Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
13 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ xứ tha phương vì vấn nạn hạn, mặn