Chiều 1.11, Bộ Y tế cho biết sẽ chính thức dừng cung cấp “Bản tin Bộ Y tế về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam”.
Suốt hơn 3 năm qua, cứ vào 17 giờ mỗi ngày, Bộ Y tế đều cung cấp “Bản tin Bộ Y tế về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam”. Tuy nhiên, từ 17 giờ ngày 1.11, bộ chính thức dừng cung cấp thông tin trên. Nguyên nhân là do Bộ Y tế đã điều chỉnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B.
Trước đó, ngày 19.10, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có hiệu lực thi hành từ ngày 20.10.2023. Các hoạt động phòng chống COVID-19 được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đối với COVID-19 làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm và hiệu lực thi hành từ ngày 20.10.2023.
Theo Bộ Y tế, từ khi ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên (23.1.2020), đến nay cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu trường hợp mắc COVID-19, hơn 10,6 triệu trường hợp được điều trị khỏi bệnh, 43.206 trường hợp tử vong (chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch với 4 đợt bùng phát. Giai đoạn 1 từ tháng 1.2020 đến hết tháng 9.2021 với chiến lược không ca bệnh. Giai đoạn 2 từ tháng 10.2021 đến nay với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Dịch COVID-19 hiện nay đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; số mắc, tử vong giảm sâu; số mắc trung bình tháng giảm 14 lần so với năm 2021 và giảm 82 lần so với năm 2022. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,11% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023.
Cả nước đã tiêm hơn 266,5 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19; tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,1%, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,7%. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới.