Bộ Y tế khẳng định, chưa có nghiên cứu nào khẳng định buồng khử khuẩn toàn thân có thể tẩy sạch được virus corona. Bên cạnh đó, phòng áp lực âm không điều trị được bệnh mà chỉ ngăn chặn lây nhiễm chéo mà thôi.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng buồng khử khuẩn và phòng áp lực âm

27/03/2020, 13:42

Bộ Y tế khẳng định, chưa có nghiên cứu nào khẳng định buồng khử khuẩn toàn thân có thể tẩy sạch được virus corona. Bên cạnh đó, phòng áp lực âm không điều trị được bệnh mà chỉ ngăn chặn lây nhiễm chéo mà thôi.

Dịch COVID-19: Bộ Y tế khuyến cáo không dùng buồng khử khuẩn

Thời gian qua, nhiều tổ chức, viện nghiên cứu của ngành y đã giới thiệu và đưa sản phẩm buồng khử khuẩn toàn thân di động vào sử dụng, nhiều cơ quan đã lắp đặt sản phẩm này với mục đích khử khuẩn toàn thân ngừa COVID-19. Tuy nhiên chiều 26.3, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về việc sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân và phòng áp lực âm để phòng chống COVID-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua có rất nhiều cá nhân và tổ chức đề xuất nghiên cứu về buồng khử khuẩn toàn thân di động để diệt trừ coronavirus. Buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay thường gồm 1 buồng phun sương dung dịch clo hoạt tính hoặc 2 buồng nối tiếp nhau, buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây. Tuy nhiên, hội đồng khoa học cấp Bộ chưa thông qua đề xuất này do chưa đủ tài liệu có thể chứng minh về hiệu quả diệt virus cũng như sự an toàn đối với người dùng. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo các cá nhân và tổ chức không nên tự ý sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân.

Đặc biệt, buồng khử khuẩn toàn thân dùng khí ozone, đây là chất gây hại cho sức khỏe con người đặc biệt là người già, trẻ em và những người có bệnh về đường hô hấp. Viện quốc gia về Sức Khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ khuyến cáo, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào, cũng chưa từng có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.

Bộ Y tế cho biết, các tiêu chuẩn kỹ thuật của buồng khử khuẩn toàn thân chưa được thông qua nên khuyến cáo các cơ quan không sử dụng

Bên cạnh đó, cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Hơn thế nữa, clo hoạt tính dạng phun sương có thể dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp cũng như phổi, gây hại cho sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt. Thay vì dùng buồng khử khuẩn toàn thân, người dân nên hạn chế đi ra ngoài, nên giữ khoảng cách ít nhất 2m với mọi người, luôn đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách...

Ngoài buồng khử khuẩn toàn thân, Bộ Y tế cũng khẳng định thêm vấn đề đang khiến nhiều người nhầm lẫn. Nhiều người cho rằng phòng áp lực âm có thể điều trị được virus corona. Tuy nhiên, phòng áp lực âm là phương pháp cách ly được sử dụng trong các Bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh.

Thực tế, phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng, gồm phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị, hệ thống trong phòng điều trị sẽ đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc. Do đó, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí, chứ không có khả năng diệt virus.

Bên cạnh đó, khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay nói chuyện sẽ dẫn đến tình trạng phát tán các giọt bắn có chứa virus, một lượng lớn sẽ bám trên bề mặt phòng mà không bị hút theo luồng không khí. Vì vậy, nếu không kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ thì phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân. Chi phí xây dựng 1 phòng áp lực âm rất lớn, quy trình phức tạp và tốn thời gian, đòi hỏi kỹ thuật cao khi vận hành. Hơn thế nữa, mỗi phòng áp lực âm lại chỉ có thể dùng cho 1 bệnh nhân.

Thành Chung

Bài liên quan
Bộ Y tế: Nhiều đơn vị đưa mỹ phẩm ra thị trường với địa chỉ, số điện thoại 'ma'
Một số doanh nghiệp đưa mỹ phẩm ra thị trường Việt Nam nhưng cơ quan chức năng không thể liên lạc được, vì doanh nghiệp cung cấp số điện thoại, địa chỉ “ma”, gây khó khăn cho công tác quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng buồng khử khuẩn và phòng áp lực âm