Đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1, 2 năm mà diễn ra cả giai đoạn. Bộ Y tế luôn đứng đầu trong nhóm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Y tế luôn đứng đầu trong... chậm giải ngân vốn đầu tư công

Lam Thanh | 08/08/2022, 16:07

Đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1, 2 năm mà diễn ra cả giai đoạn. Bộ Y tế luôn đứng đầu trong nhóm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Lãng phí tại dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Ngày 8.8, đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến năm 2021 Bộ Y tế đã giao khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 100% đơn vị hành chính thuộc Bộ; giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 100% đơn vị.

tri-3.jpg
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo - Ảnh: VPQH

Đối với công tác cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã rà soát, chuẩn hóa và bãi bỏ gần 200 thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh với tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm ước tính khoảng 570 tỉ đồng; giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc từ 82 còn 80 đơn vị…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu thực trạng lãng phí tại dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Đây là 2 dự án được kỳ vọng sẽ giảm quá tải cho hai bệnh viện lớn tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay sau nhiều năm triển khai vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Vấn đề này cử tri rất bức xúc, phản ánh nhiều lần.

Ông Trí đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời gian tới có tiếp tục thực hiện 2 dự án này không, nếu có thì khi nào hoàn thành, hoạt động có hiệu quả được không, Bộ Y tế có kế hoạch gì, bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng bệnh viện vệ tinh thời gian qua như thế nào?

Luôn đứng nhóm đầu trong chậm giải ngân vốn đầu tư công

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, theo báo cáo, Bộ Y tế có 3/10 dự án sử dụng vốn ODA nhưng vẫn chưa nêu rõ việc sử dụng như thế nào. Ngoài ra, công tác quản lý và sử dụng kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học, giáo dục 5 năm qua đã triển khai bao nhiêu đề tài, có ứng dụng trong thực tế không, kèm theo danh mục các đề tài... chưa được nêu rõ trong báo cáo.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1, 2 năm mà diễn ra cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng đầu của "top" chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Theo bà Mai, có những năm tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ tại Bộ Y tế chỉ đạt 19%, có dự án cả giai đoạn giải ngân chỉ đạt 13%. Khi phân bổ nguồn lực, có 2 lĩnh vực được quan tâm là y tế và giáo dục nhưng khi được phân bổ, tỷ lệ giải ngân tại ngành y tế thấp sẽ gây lãng phí rất lớn.

Tại buổi làm việc, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo với đoàn giám sát về một số vấn đề đại biểu nêu. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện báo cáo trên cơ sở bám sát đề cương, bổ sung số liệu, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và kiến nghị cụ thể vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Bà Lan cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của ngành đến thời điểm này mới đạt 3,1%. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm, liên quan đến nhiệm kỳ trước.

Theo bà Lan, hiện việc giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng mắc tại các dự án xây dựng các bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Những bất cập tại các dự án này đã vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế, về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

tri-2.jpg
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu - Ảnh: VPQH

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của nhân dân, trong đó có cán bộ nhân viên ngành y. Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc (6 tháng năm 2022 gần 10 nghìn viên chức y tế trong bệnh viện công xin thôi việc) là thực trạng đáng quan tâm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm.

Sau buổi này giám sát này, đề nghị quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên đoàn giám sát. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần nêu rõ cách làm hay, hiệu quả đã triển khai; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục.

Bệnh viên công tổ chức phòng khám dịch vụ có là lạm dụng?

Nhiều ý kiến cũng nêu tồn tại phổ biến ở các bệnh viện công hiện nay đó là có nhiều bệnh viện công tổ chức phòng khám dịch vụ, khu điều trị dịch vụ, máy móc dịch vụ.

Các đại biểu khẳng định điều này ẩn chứa nguy cơ lạm dụng nhân lực tại bệnh viện công, lãng phí đất đai, cơ sở máy móc thiết bị được trang bị bằng vốn đầu tư công.

Đồng tình với quan điểm này, một số thành viên đoàn giám sát cho rằng có sự nhập nhèm trong quản lý của nhiều cơ sở y tế, có căn cứ, cơ sở nào để kiểm soát giá tại các phòng khám dịch vụ, khu điều trị vụ…

Đây là vấn đề Bộ Y tế cần sớm rà soát lại hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ tại bệnh viện công để chống lãng phí đầu tư công, nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế luôn đứng đầu trong... chậm giải ngân vốn đầu tư công