Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao.

Hàn Quốc trả lương cho lao động Việt Nam thế nào?

Tuyết Nhung | 07/08/2022, 20:59

Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao.

Thông tin về sự hợp tác trong lĩnh vực lao động và di cư lao động giữa Việt Nam - Hàn Quốc, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua các hình thức chủ yếu sau:

han-quoc.jpg

Thứ nhất, đi theo Chương trình EPS, đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay có hơn 100.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và hiện có gần 28.000 lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo chương trình này. Người lao động có mức thu nhập bình quân từ 1.500-2.000 USD/tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định song phương giữa hai nước về bảo hiểm xã hội được ký vào tháng 12.2021.

Thứ hai là lao động kỹ thuật, (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc thông qua các hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc.

Ngoài ra, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7. Những lao động này cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) với mức lương từ 2.000-2.500 USD/tháng. Hiện có khoảng 3.535 lao động kỹ thuật đang làm việc tại Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy.

Thứ ba là người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10.000 thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương trên các tàu đánh cá xa bờ từ 450-550 USD/tháng và tàu cá gần bờ là 1.400 USD/tháng.

Từ năm 2016, Bộ LĐTB&XH đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Hiện có 9 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa gần 1.000 lao động đi, 17 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc.

Ngày 1.2.2021, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã ký gia hạn Bản ghi nhớ về chương trình EPS với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, hai bên đang tích cực tháo gỡ các vướng mắc để đưa gần 6.500 lao động được chọn từ năm 2020 đi làm việc tại Hàn Quốc và giới thiệu 5.416 hồ sơ đã thi từ năm 2019-2020 nhưng chưa được lựa chọn...

Trước đó, chương trình EPS đã được triển khai từ năm 2004. Đến nay, thu hút hơn 110.000 lượt lao động nước ta đi làm việc tại Hàn Quốc.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã hỗ trợ công tác huấn luyện thí sinh và chuyên gia của Việt Nam tham gia Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới, đã mang về cho Việt Nam những huy chương kỹ năng nghề thế giới đầu tiên. Hàn Quốc cũng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, các điều kiện bảo đảm cho hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Việt Nam thông qua dự án “Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Trong năm 2021, cả nước có hơn 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường Hàn Quốc thu hút 1.036 lao động Việt Nam, đứng vị trí thứ ba trong các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận nhiều nhất lao động nước ta.

Trong năm 2021, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Hiệp định này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội. Qua đó, hướng tới tránh việc đóng 2 lần bảo hiểm xã hội với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được 2 quốc gia công nhận lẫn nhau.

Tháng 1.2022, Cơ quan Bảo hiểm xã hội Hàn Quốc đã thông báo, người lao động Việt Nam đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Hàn Quốc là đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội của Hàn Quốc kể từ ngày 1.1.2022.

Theo đó, căn cứ về việc Việt Nam cho phép người lao động Hàn Quốc đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Việt Nam được tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam kể từ ngày 1.1.2022 và quy định tại Điều 126 Luật Bảo hiểm xã hội của Hàn Quốc, Hàn Quốc cũng chính thức cho phép người lao động mang quốc tịch Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tượng được phép tham gia bảo hiểm xã hội của Hàn Quốc kể từ ngày 1.1.2022. Tuy nhiên, Việt Nam không thuộc nhóm nước áp dụng hình thức hoàn trả tiền bảo hiểm một lần khi về nước.

Bài liên quan
TP.HCM: Đã có hơn 21.000 đơn vị đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Tới nay, TP.HCM đã xác nhận được hơn 21.000 đơn vị đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Chính phủ. Đây là những trường hợp người lao động có hồ sơ hợp lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc trả lương cho lao động Việt Nam thế nào?