Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, một số nội dung trong công văn liệt kê danh sách những loại thuốc y học cổ truyền giúp phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 chưa phù hợp.
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, cho biết Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu” do Bộ Y tế ban hành ngày 24.7.2021 theo đúng quy định
Liên quan đến thông tin về công văn số 5944/BYT-YHCT về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu” do Bộ Y tế ban hành ngày 24.7.2021 đang được dư luận quan tâm, sáng 26.7, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết:
Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Y Quản lý Y Dược học cổ truyền đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp hỗ trợ trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các công ty ủng hộ cũng như những chế phẩm của hai bệnh viện: Y học cổ truyền Bộ Công an và Y học cổ truyền Quân đội, đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến của Bắc Giang cho thấy kết quả bước đầu an toàn và có hiệu quả.
Trong đợt dịch ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để kết hợp các phương pháp của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, Cục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại phía Nam về việc tiếp nhận sự hỗ trợ các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để sử dụng phù hợp cho những người là F1 đang cách ly tập trung và F0 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa.
Cục cũng đã hướng dẫn các đơn vị y học cổ truyền trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tham khảo, nghiên cứu để có thể xây dựng các bài thuốc y học cổ truyền và tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả.
Tuy nhiên, sau khi công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
“Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến công văn 5944/BYT-YHTC, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”, ông Nguyễn Thế Thịnh nói.
Ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết thêm, lãnh đạo Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý Y Dược cổ truyền khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát để có hướng dẫn phù hợp nhằm bảo đảm huy động được mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.
Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng khuyến cáo người dân không tự tìm mua các sản phẩm dù là thuốc nói chung hay kể cả sản phẩm y học cổ truyền vì những sản phẩm này đều phải sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế quyết định thu hồi vì một số nội dung không phù hợp. Về danh mục 12 loại thuốc, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết đây là danh sách do Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền đính kèm công văn.
Chiều 25.7, giải thích với báo giới về Công văn 5944/BYT-YDCT, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch COVID-19.
"Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành Y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh chia sẻ với trang Hà Nội Mới.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng.
Với nhóm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị có thể đồng thời sử dụng 2-3 loại, kết hợp uống thuốc dạng sắc trên cơ sở các bài thuốc được đề cập trong hướng dẫn kèm Công văn 5944/BYT-YDCT. Điều đó có nghĩa là không phải bệnh nhân COVID-19 nào cũng giống nhau, mà phải "cá thể hóa" từng bệnh nhân, tùy từng tình trạng, mức độ bệnh.
"Tuy nhiên, người dân thường có tâm lý thích tự đi mua, nhưng thuốc khi sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ, vì thuốc bao giờ cũng có 2 mặt: Lợi và hại. 12 thuốc, sản phẩm y học cổ truyền ban hành cùng công văn nêu trên không phải là danh mục sản phẩm cho đấu thầu thuốc dự phòng điều trị COVID-19. Người dân cần hiểu đúng, không nên đổ xô đi mua", PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh khẳng định.