Kẻ xấu thường sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Fanpage… đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai trên không gian mạng với đủ mệnh giá.

Bóc trần thủ đoạn rao bán tiền giả trên không gian mạng

Nhã Thanh | 12/06/2022, 14:40

Kẻ xấu thường sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Fanpage… đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai trên không gian mạng với đủ mệnh giá.

Thời gian qua, tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội có nhiều diễn biến phức tạp.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, hành vi mua bán tiền giả hiện nay không chỉ xảy ra trong đời sống xã hội, mà còn xuất hiện nhiều trên mạng viễn thông, mạng internet. Lợi dụng đặc điểm của internet, mạng xã hội nên rất nhiều kẻ xấu đã thực hiện hành vi mua bán tiền giả thông qua hình thức trực tuyến này.

Theo Bộ Công an, kẻ xấu thường sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, trang Fanpage… đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai trên không gian mạng với đủ mệnh giá.

anh-minh-hoa.jpg
Những hành vi làm tiền giả, tàng trữ tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh: Internet

Thủ đoạn bọn chúng thường sử dụng là dùng kỹ thuật quay phim, chụp ảnh để quảng cáo, tạo niềm tin với người tiêu dùng với những nội dung như “mua 1 triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả”, “tiền giả giống tiền thật đến 99%”, “tiêu dùng thoải mái không lo phát hiện”… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ngoài ra, khi mua, bán tiền giả, bọn chúng thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội để thống nhất số lượng, giá cả, phương thức giao dịch và thanh toán; sử dụng tài khoản ảo, sim rác để che giấu nhân thân, lai lịch gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, những hành vi làm tiền giả, tàng trữ tiền giả, vận chuyển tiền giả và lưu hành tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù thấp nhất là 3 năm, cao nhất là 20 năm hoặc chung thân, theo quy định tại Điều 207 BLHS.

Được biết, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

"Nếu thực hiện hành vi rao bán tiền giả trên mạng xã hội mà cơ quan chức năng không thu giữ được tiền giả, không chứng minh được có hành vi sản xuất, lưu hành tàng trữ, vận chuyển tiền giả thì không xử lý hình sự theo điều 207 BLHS", luật sư Cường nói.

Nhưng luật sư cũng nêu rõ hành vi này vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nếu giao dịch có xảy ra, hoặc tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet" theo điều 288 BLHS.

Luật sư Cường nhận định hành vi rao bán tiền giả trên không gian mạng gây ra tâm lý tiêu cực cho nhiều người, làm nảy sinh ý định sản xuất tiền giả, ý thức coi thường pháp luật với nhiều người. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với hành vi rao bán tiền giả trên mạng xã hội.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền Việt Nam bị làm giả đã làm giảm giá trị của đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia, giảm lòng tin của người dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của nhà nước.

Để công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đạt hiệu quả và toàn diện, Ngân hàng nhà nước thấy cần thiết bổ sung thêm lực lượng chức năng tham gia và tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Khi phát hiện tiền giả và các hành vi như làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, Bộ Công an đề nghị người dân thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng (Công an, Biên phòng, Hải quan…); đồng thời, giao nộp tiền giả cho các cơ quan chức năng nêu trên hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Công an TP.HCM ứng dụng mạng xã hội phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự
Công an TP.HCM cho biết hiện nay đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội của các đơn vị nghiệp vụ cấp phòng, công an cấp quận, huyện và 52 trang mạng xã hội của công an cấp phường, xã.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóc trần thủ đoạn rao bán tiền giả trên không gian mạng