Chiến dịch tuyên truyền kết hợp công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM dự kiến diễn ra trong thời gian từ 18.6 đến hết tháng 7.
Chiều 10.6, Ban An toàn Giao thông TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về Chiến dịch tuyên truyền kết hợp công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM với thông điệp "Đã uống rượu, bia - không lái xe".
Theo Ban ATGT TP, mục tiêu chiến dịch nhằm góp phần làm thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô.
Chiến dịch tuyên truyền kết hợp công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM diễn ra trong thời gian từ 18.6 kéo dài đến hết tháng 7. Cuối tháng 8, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị sơ kết.
Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ban ATGT TP.HCM cho biết: Chiến dịch này là năm thứ 3 TP tổ chức thu được nhiều kết quả tích cực, thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Theo ông Phúc, thời gian qua, dù tăng cường xử phạt nhưng tình trạng sử dụng nồng độ cồn có dấu hiệu gia tăng. Do đó công tác tuyên truyền không được lơ đãng, cần thay đổi nhận thức mới thay đổi được hành vi.
Trong thời gian này, Ban Tổ chức chiến dịch sẽ đăng tải nhiều nội dung liên quan đến thông điệp "Đã uống rượu, bia - không lái xe" lên Website, trang Facebook và kênh YouTube của Ban An toàn Giao thông TP.HCM; phối hợp với Đài Truyền hình TP và Đài Tiếng nói Nhân dân TP tổ chức tọa đàm; phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) và lực lượng CSGT TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức thực hiện các hoạt động cưỡng chế.
Tại buổi họp báo, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay CSGT xử phạt hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, số tiền xử phạt gần 100 tỉ đồng.
Theo ông Quới, cái khó khi xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn tạm giữ phương tiện với xe gắn máy là khi bị tạm giữ xe, người vi phạm sẵn sàng bỏ xe và không chấp hành nộp phạt.