Bollywood trước nay nổi tiếng với các diễn viên quyến rũ, trang phục sặc sỡ và những điệu nhảy sôi động. Tuy nhiên, nó cũng được biết đến như một nơi thúc đẩy phương thức “làm tối da” diễn viên nhằm phù hợp với những định kiến trong xã hội Ấn Độ. "Đó là phân biệt chủng tộc theo đúng nghĩa đen của nó", đạo diễn lừng danh Neeraj Ghaywan nói.

Bollywood và nỗi ám ảnh làn da trắng

13/05/2020, 07:10

Bollywood trước nay nổi tiếng với các diễn viên quyến rũ, trang phục sặc sỡ và những điệu nhảy sôi động. Tuy nhiên, nó cũng được biết đến như một nơi thúc đẩy phương thức “làm tối da” diễn viên nhằm phù hợp với những định kiến trong xã hội Ấn Độ. "Đó là phân biệt chủng tộc theo đúng nghĩa đen của nó", đạo diễn lừng danh Neeraj Ghaywan nói.

Điện ảnh Ấn Độ ít nhiều vẫn còn sự kỳ thị chủng tộc - Ảnh: Internet

Tại Mỹ, khái niệm “mặt trắng” và “mặt nâu” đã xuất hiện từ thế kỷ 19. Các nghệ sĩ trình diễn làm tối gương mặt khi vào vai các nhóm yếu thế như nô lệ bởi vì những người da màu bị cấm tham gia lĩnh vực nghệ thuật. Trong khi đó, tại Anh, phương thức này có từ thời nữ hoàng Elizabeth I. Các đạo diễn khi thực hiện những vở kịch của Shakespeare đã tuyển diễn viên da trắng vào các vai thuộc nhóm thiểu số da màu.

Cho đến gần đây, nó vẫn tiếp tục được áp dụng. Điển hình như vai tướng quân người châu Phi trong vở kịch Othello đã được Orson Welles thủ diễn vào năm 1951 và Laurence Olivier vào năm 1965. Năm 2008, Robert Downey Jr vào vai một diễn viên da trắng hóa thân thành một người lính da đen trong chiến tranh Việt Nam trong Tropic Thunder và nhận được đề cử Oscar.

Theo nhiều chuyên gia, Bollywood có thể thuê những diễn viên da tối màu tự nhiên vốn không thiếu tại Ấn Độ. Thay vào đó, các nhà làm phim lại chọn phương thức này, trực tiếp duy trì nạn phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong ngành.

Ví dụ, Bala – một bộ phim thắng lớn năm 2019 – kể về một phụ nữ bị kỳ thị vì màu da của mình nhưng tréo ngoe là vai diễn này được giao cho ngôi sao đình đám Bhumi Pednekar – người đã phải làm tối màu da của mình để vào vai. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề.

Diễn viên Bhumi Pednekar trong Bala

Về phía mình, Pednekar cho rằng việc lựa chọn diễn viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không riêng ngoại hình: “Nếu nhà sản xuất chọn tôi, có nghĩa tôi có giá trị cho bộ phim”. Đạo diễn Amar Kaushik thì nói với tờ Press Trust of India rằng ông đã "nghĩ về việc chọn một diễn viên có làn da ngăm đen" nhưng "cảm thấy Bhumi là lựa chọn tuyệt vời nhất cho nhân vật”.

Năm 2019 còn có 2 phim khác là Super 30Gully Boy cũng sử dụng phương pháp “làm tối da” và lọt vào top doanh thu phòng vé. Điều này cho thấy Bollywood vẫn không cảm thấy áp lực phải thay đổi.

Sự quyến rũ đằng sau chiếc mặt nạ

Quan điểm của người dân Ấn Độ đối với làn da sáng có gốc rễ lâu đời.

"Nó có trước chủ nghĩa thực dân và chắc chắn có liên quan đến giai cấp", nhà xã hội học Sanjay Srivastava - người làm việc tại Viện Tăng trưởng kinh tế ở Delhi - nói. "Các văn bản tôn giáo của Ấn Độ giáo chứa đầy những định kiến ​​về phân biệt đối xử: các nhân vật thấp kém hơn có làn da tối màu và xấu xí. Ngoài ra, làn da tối màu đồng nghĩa với lao động tay chân hay làm việc dưới ánh mặt trời. Do đó, da trắng tượng trưng cho giới quý tộc, cao quý”.

Nam diễn viên Hrithik Roshan đã phải làm tối da khi vào vai một giáo viên đến từ một bang nghèo của Ấn Độ trong phim Super 30

Việc đô hộ của thực dân Anh có làn da xanh xao vào thế kỷ 18 đã góp phần hằn thêm định kiến. Trong thời kỳ thuộc địa, nạn phân biệt chủng tộc trở nên phức tạp hơn khi có sự xuất hiện của nhóm người Anh - Ấn. Bạn càng gần với tổ tiên da trắng thì bạn có vị trí càng cao trong hệ thống phân cấp. Điều này áp dụng cho cả diễn viên.

"Bollywood và điện ảnh Ấn Độ nói chung có hai tiền đề quan trọng: biểu tượng tôn giáo và nhà hát Parsi. Đối với cả hai, làn da trắng là điều cần thiết", Vijay Mishra - giáo sư văn học Anh tại Đại học Murdoch (Úc) và là tác giả của cuốn sách Rạp chiếu phim Bollywood: Đền thờ của dục vọng – cho biết. ”Các nam thần và nữ thần trong đạo Hindu ‘đều trắng tinh’ ngoại trừ Shiva, Rama và Krishna da là có da sẫm màu. Còn nhà hát Parsi vốn do người Ba Tư sáng lập khi di cư đến Ấn Độ cho nên đại đa số cũng đều có làn da sáng”.

Hrithik Roshan sở hữu một làn da sáng màu ngoài đời

Trước khi phim tiếng Hindi được sản xuất lần đầu ở Ấn Độ vào năm 1931, nhà hát Parsi - chịu ảnh hưởng bởi nhà hát Anh thời thuộc địa – cực kỳ nổi tiếng, chuyên phục vụ cho tầng lớp trung lưu và dân lao động.

Năm 1947, Ấn Độ giành lại độc lập và mở đường cho một hiến pháp mới nói không với phân biệt chủng tộc. Mặc dù vậy, nó vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Trong báo cáo năm 2019 của mình, tổ chức Human Rights Watch lưu ý rằng nhóm dân tộc bị áp bức tại Ấn Độ - thường được gọi là Dalits - thường xuyên bị “phân biệt đối xử trong công việc lẫn giáo dục”.

Nhà xã hội học Sanjay Srivastava cho rằng khả dĩ việc đổi màu da diễn viên trở thành bình thường tại Bollywood là vì khán giả cũng ủng hộ. "Sẽ hoàn toàn tự nhiên khi các nhà làm phim tạo ra những khuôn mặt tối màu cho các diễn viên da sáng. Bởi vì suy cho cùng, khán giả cũng muốn được đảm bảo rằng sự quyến rũ vẫn còn đó, đằng sau chiếc mặt nạ”, ông nói.

Nam diễn viên Ranveer Singh trong Gully Boy

Đạo diễn Neeraj Ghaywan thì cho rằng còn một lý do khác nữa là vấn đề tài chính. Một ngôi sao da sáng dù sao cũng dễ thu hút khán giả hơn. “Đó là cách Bollywood vận hành và suy nghĩ”, ông nói.

Theo điều tra dân số năm 2011, nhóm Dalits chiếm 16,6% dân số Ấn Độ (tương đương hơn 200 triệu người). Tuy nhiên, trong năm 2014 chỉ có duy nhất 2 phim Bollywood có nhân vật chính thuộc nhóm này.

Ghaywan lập luận rằng gốc rễ của vấn đề là sự kỳ thị thâm căn cố đế của xã hội Ấn Độ và Bollywood chỉ đơn thuần là phản ánh thực trạng.

Nỗi ám ảnh về những sản phẩm làm trắng da

Nữ diễn viên Deepika Padukone quảng cáo cho sản phẩm làm trắng da Fine Fairness của hãng Neutrogena vào năm 2009 tại Mumbai

Sinh ra và lớn lên ở Mumbai, Seema Hari từng bị bắt nạt ở trường vì có làn da ngăm đen. Thậm chí, cô còn bị những người đi đường chế giễu nói rằng cô mang lại xui xẻo bằng cách lộ mặt trước công chúng. “Tôi đã bị trầm cảm suốt thời thơ ấu và đôi khi còn nghĩ đến việc tự tử". Hari hiện là kỹ sư phần mềm làm việc tại trụ sở Los Angeles của Snapchat và người mẫu bán chuyên.

Hari kiên quyết chống lại việc phân biệt đối xử dựa trên màu da và cho rằng tệ nạn này không chỉ xuất hiện trên màn ảnh rộng của Bollywood mà còn ở những hiệu thuốc và siêu thị – nơi bán đầy các sản phẩm làm trắng da.

Các sản phẩm này được tiếp tay bởi những siêu sao nổi tiếng nhất của Bollywood. "Một số quảng cáo thể hiện tính phân biệt chủng tộc trắng trợn. Thế nhưng, nếu đưa một siêu sao Bollywood vào, nó sẽ trở thành bình thường và được công chúng chấp nhận”, Hari nói.

Theo báo cáo của Global Industry Analysts, ngành công nghiệp mỹ phẩm làm trắng da sẽ đạt 6,5 tỉ USD vào năm 2025.

Shah Rukh Khan trong quảng cáo cho một loại kem làm trắng da

Thường được mệnh danh là "Vua của Bollywood", Shah Rukh Khan đã nhiều năm làm người đại diện cho Fair and Handsome – một loại kem làm trắng da dành cho nam giới. Năm 2013, một kiến nghị kêu gọi chấm dứt quảng cáo phân biệt đối xử này đã thu hút hơn 27.000 chữ ký. Năm 2016, Khan nói với tờ The Guardian rằng anh sẽ không bao giờ sử dụng sản phẩm kể trên nhưng không rõ hợp đồng quảng cáo còn hiệu lực hay không.

Năm 2014, Hội đồng Tiêu chuẩn quảng cáo Ấn Độ (ASCI) đã ban hành các hướng dẫn về việc quảng bá các sản phẩm làm trắng da, nói rằng các nhãn hàng không thể khắc họa những người có làn da tối màu là nhóm người bị trầm cảm hoặc bị thua thiệt. Động thái này đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể nhưng các ngôi sao Bollywood vẫn tiếp tục xuất hiện trong các quảng cáo tương tự.

Tháng 2 năm nay, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ đã đề xuất một dự thảo luật cấm các quảng cáo quảng bá các loại kem làm trắng da. Những kẻ vi phạm pháp luật có thể phải đối mặt với án tù 5 năm hoặc phạt 50 rakh (khoảng 70.000 USD).

"Sự tham gia của người nổi tiếng là một phần rất lớn của ngành quảng cáo", Shweta Purandare - tổng thư ký của ASCI - cho biết. "Nó chiếm khoảng 24% tổng chi phí quảng cáo của Ấn Độ. Với các quy định mới, chúng tôi hy vọng những người nổi tiếng sẽ thận trọng hơn”.

“Họ chỉ muốn trắng mà thôi”

Tiến sĩ Sujata Chandrappa - người điều hành một thẩm mỹ viện ở thành phố Bangalore - cho biết: "Chúng tôi có một vài bệnh nhân khao khát được đến Bollywood và tin tưởng vào lợi thế của việc có làn da trắng. Điều này đã hằn sâu vào tâm tưởng của người dân Ấn Độ. Họ cho rằng làn da trắng là điều tiên quyết để có thể tấn công vào Bollywood”.

Chandrappa chỉ đồng ý thực hiện các phương pháp làm sáng da nếu khách hàng có những bệnh lý về da như nám, tăng sắc tố, tổn thương do ánh nắng mặt trời hoặc đốm đồi mồi. Trong trường hợp khách hàng khăng khăng đòi làm trắng da nhưng không có bất kỳ vấn đế nào thì cô sẽ từ chối. “Tôi có cảm tưởng rằng mình đang thúc đẩy cho nạn kỳ thị chủng tộc”, cô nói.

Thay đổi

Diễn viên Nandita Das

Mười năm trước, tổ chức phi chính phủ Women of Worth đã thành lập chiến dịch Dark is Beautiful và tổ chức hàng loạt hội thảo trong trường học, nơi làm việc và cộng đồng trên khắp đất nước để xóa bỏ định kiến dành cho làn da tối màu.

Nữ diên viên Nandita Das - phát ngôn viên của Dark is Beautiful - cho biết chiến dịch này đã khuyến khích các nạn nhân bị kỳ thị chia sẻ câu chuyện của họ, phơi bày mức độ ám ảnh của người dân Ấn Độ về làn da trắng.

"Tệ nạn ấy đã đã tồn tại quá lâu trong các quảng cáo chiếu trên truyền hình, mỹ phẩm và biển hiệu. Đột nhiên, nó được đưa ra ánh sáng", Das nói với CNN. "Chúng tôi tự hỏi tại sao đã không nói về nó sớm hơn”.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
2 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bollywood và nỗi ám ảnh làn da trắng