Không chỉ ở giải Hạng nhất mà ngay tại V-League, kể từ khi VPF bắt đầu điều hành thì tính cạnh tranh đã bị suy giảm. Đơn giản là vì các đội không có nhiều động lực thi đấu do quá ít đội xuống hạng, lên hạng.

Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đang thành bộ môn 'dưỡng sinh'

Đặng Hoàng | 19/03/2023, 08:30

Không chỉ ở giải Hạng nhất mà ngay tại V-League, kể từ khi VPF bắt đầu điều hành thì tính cạnh tranh đã bị suy giảm. Đơn giản là vì các đội không có nhiều động lực thi đấu do quá ít đội xuống hạng, lên hạng.

Ngày 16.3, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa công bố điều lệ của giải Hạng nhất quốc gia. Điều khiến dư luận xôn xao là lần đầu trong lịch sử bóng đá Việt Nam, giải Hạng nhất quốc gia 2023 sẽ không có suất rớt hạng trực tiếp. Đội đứng cuối bảng xếp hạng chung cuộc sẽ phải đá play-off với đội ở giải Hạng nhì để quyết định suất trụ hạng hoặc rớt hạng.

21.jpg

Nguyên nhân được lý giải cho sự kiện này là để thích nghi với hoàn cảnh. Ban đầu, giải Hạng nhất 2023 dự kiến có 12 đội tham dự và thi đấu theo thể thức chia hai giai đoạn để phân định nhóm tranh vô địch cùng nhóm tranh trụ hạng như V-League 2023. Tuy nhiên, sau khi CLB Sài Gòn và CLB Cần Thơ rút lui khỏi giải Hạng nhất quốc gia 2023 vì không đủ kinh phí hoạt động, Ban tổ chức (tức VPF) đã phải “linh động” thay đổi điều lệ giải đấu mùa này và sẽ không có đội phải xuống hạng trực tiếp.

Nói về “linh động” thì VPF rất có tài xoay sở khi có đội bỏ giải. Trước đó, VPF tính tạo ra tiền lệ đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới là muốn bốc thăm lại Cúp Quốc gia sau khi CLB Sài Gòn bỏ giải. Tuy nhiên, việc này phải dừng lại do vấp phải phản ứng từ dư luận.

Lần này, VPF lại tính tạo tiền lệ tại giải Hạng nhất như đã nói ở trên. Việc VPF “nhân từ” đưa ra giải đấu không có đội xuống hạng sẽ giúp các đội “yên tâm” không bỏ giải, nhưng điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh cũng như chất lượng chuyên môn của sân chơi bóng đá đẳng cấp cao thứ nhì Việt Nam.

Thực ra, không chỉ giải Hạng nhất mà ngay tại V-League, kể từ khi VPF bắt đầu điều hành, tính cạnh tranh đã bị suy giảm. Lần gần nhất, giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam có được hơn 1 đội phải xuống hạng vì thành tích thi đấu là khi nào? Đó là năm 2012 khi VPF bắt đầu điều hành. Kể từ các mùa sau thì V-League chỉ có 1 đội phải xuống hạng, trừ những lần có đội giải thể.

Ai cũng biết trong thể thao, yếu tố cạnh tranh chính là sự hấp dẫn nhất của giải đấu. Vào giai đoạn cuối mùa giải, chúng ta có thể chứng kiến cuộc đua trụ hạng ở giải Ngoại hạng Anh hấp dẫn không kém gì đua ngôi vô địch hay vào top 4. Giải Ngoại hạng Anh có 20 đội nhưng có 3 suất xuống hạng tức là tỷ lệ xuống hạng tương đương 1/7 nên cuộc đua phải khốc liệt.

Giải La Liga ở Tây Ban Nha cũng có cùng công thức như vậy. Bundesliga của Đức có 18 đội thì cũng có 2,5 đội xuống hạng. Tại giải Serie A của Italia và Ligue 1 của Pháp năm nay còn có tới 4 đội xuống hạng, tức tỷ lệ xuống hạng là 1/5 số đội tham dự.

Như vậy, có thể thấy tỷ lệ xuống hạng tại V-League chỉ là 1/14 nên các đội khá là an tâm thi đấu khi xác suất xuống hạng thấp. Các mùa giải đã qua, chúng ta có thể thấy cảnh khi các CLB gần đủ điểm trụ hạng vào cuối mùa thì chơi tà tà, khán giả cũng chẳng muốn theo dõi thêm khi biết đội nhà hết động lực thi đấu vì chỉ cần trụ hạng là vui. Tính hấp dẫn của giải đấu đương nhiên theo đó mà đi xuống.

Từ hơn 10 năm qua, cuộc chiến trụ hạng - cuộc chiến sinh tồn đáng ra là thứ hấp dẫn nhất của bóng đá chuyên nghiệp, thể thao chuyên nghiệp lại gần như bị triệt tiêu tại V-League.

Quy chế 1 đội xuống hạng nhiều năm qua biến V-League trở thành giải đấu theo "hệ dưỡng sinh", giúp các đội cứ việc sống dai dù đôi khi dặt dẹo ở V-League mà không cần lo lắng về nội lực. Các đội không cần phải tự cường để quá mạnh, để cạnh tranh trụ hạng. Hệ quả là mặt bằng chung của V-League ngày càng giảm sức hút do cả thể thức lẫn chất lượng chuyên môn.

Nhà dột từ nóc thì nền cũng phải bị ngấm thôi. Giải V-League chỉ có 1 suất xuống hạng thì cũng chỉ bốc được 1 đội từ giải Hạng nhất lên. Do đó, các đội Hạng nhất không thấy nhiều hy vọng lên hạng để đầu tư đội hình. Tuy nhiên, VPF cũng giúp môi trường giải Hạng nhất trở thành giải có tính chất "dưỡng sinh" nên kể từ sau năm 2012 thì giải cũng chỉ có 1 đội xuống hạng mà thôi.

Vậy là các đội Hạng nhất cũng như V-League đều không bị nỗi lo xuống hạng ám ảnh. Việc có ít đội xuống hạng cũng đồng nghĩa với nhiều trận thủ tục vào cuối mùa sẽ tăng thêm và sự sôi động ở giai đoạn nước rút coi như giảm đi. Tình hình ảm đạm đó khiến mấy năm gần đây giải phải chia ra giai đoạn hai gồm bảng các đội tranh đội thăng hạng và bảng các đội tránh xuống hạng. Tuy nhiên, với xác suất xuống hạng thấp nên các đội không cần ra sức cạnh tranh trụ hạng. Tất nhiên, khán giả thà dành thời gian để tập dưỡng sinh tự rèn sức khỏe còn hơn đi xem "bóng đá dưỡng sinh".

Năm nay phong thái dưỡng sinh của giải Hạng nhất lại được đưa lên tầm cao mới khi chỉ có 0,5 suất xuống hạng. Tức là dù đá thua suốt, phải xếp cuối vào cuối mùa nhưng chỉ cần dồn sức thắng đội Hạng nhì ở trận play-off là cũng trụ hạng.

Vậy thì các đội tại giải Hạng nhất năm nay có còn máu lửa vì cuộc chiến sinh tồn hay không? Liệu khán giả còn muốn theo dõi giải Hạng nhất nữa không? Và điều đáng lo hơn là chất lượng bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu? Câu trả lời có lẽ chúng ta đều biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
9 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đang thành bộ môn 'dưỡng sinh'