Sau nhiều năm dài nỗ lực nhưng không thể nào xây dựng được một đội tuyển bóng đá nam đẳng cấp thế giới, Bắc Kinh đang chuyển sang một chiến lược mới cực sốc với chính người dân trong nước: Mời gọi những cầu thủ tài năng nước ngoài nhập quốc tịch Trung Quốc.
Trong bài viết đăng trên The Wall Street Journal, cây viết Chun Han Wong cho biết đề xuất này lập tức gây nên những luồng ý kiến tranh luận trái ngược nhau. Theo đó, cơn bão tranh luận xuất hiện cuối tuần trước, khi Zhang Jian, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đề cập đến chuyện một số cơ quan chính phủ đang nghiên cứu khả năng cho phép cầu thủ nước ngoài nhập tịch Trung Quốc, mở đường cho đội tuyển quốc gia có được những chân sút gốc nước ngoài tài năng.
Bóng đá là môn thể thao thu hút người xem nhiều nhất ở Trung Quốc. Và Giải bóng đá chuyên nghiệp của Trung Quốc cũng đã cho phép cầu thủ nước ngoài tham gia. Chính những cầu thủ chuyên nghiệp đến từ châu Âu và Nam Mỹ đã góp phần vực dậy các giải bóng đá trong nước, từng bị quay lưng do chất lượng các trận đấu rất chán, lại thêm nạn dàn xếp tỷ số. Nếu như tạo điều kiện cho những chân sút ngoại đang chơi nổi bật ở giải vô địch quốc gia nhập tịch, thì đó sẽ là một cột mốc quan trọng trong chính sách nhập tịch của Trung Quốc, bởi nhập tịch vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến luật pháp và chính sách dân số.
Chiếc phao cho đội tuyển bóng đá nam?
Một số người xem đề xuất này như là cái phao cho đội tuyển bóng đá nam, vốn chỉ mới 1 lần duy nhất giành được quyền tham dự VCK World Cup 2002, và hiện đang xếp hạng 82 trên thế giới. Tuyển bóng đá nữ Trung Quốc có khá hơn, với 6 lần tham dự World Cup, trong đó có lần vào đến trận chung kết World Cup 1999, và chỉ chịu thua đội chủ nhà Mỹ sau loạt sút luân lưu.
"Thành thật mà nói, theo tình hình bóng đá hiện nay, thì đó là cách duy nhất để chúng ta giành quyền tham dự World Cup", một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Weibo.
Bình luận này lập tức bị phản bác rất cực đoan: "Tôi thà phải chứng kiến những cầu thủ da vàng thua trận còn hơn phải nhìn thấy những cầu thủ mang những màu da khác thi đấu cho tuyển quốc gia".
Một số khác lên tiếng cảnh báo rằng việc cho phép nhập tịch cầu thủ nước ngoài sẽ gây tổn hại cho nỗ lực phát triển bóng đá của Trung Quốc. Luo Ming, Phó Tổng biên tập nhật báo Thể thao Titan viết: "Nếu Trung Quốc mở cửa cho các cầu thủ nước ngoài nhập tịch, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào đội tuyển quốc gia. Có thể dự đoán được hệ quả của quyết định này: Tất cả 11 vị trí trong đội hình dự Super League Trung Quốc sẽ đều toàn là cầu thủ nhập tịch".
Hay chỉ là phao xì?
Thế nhưng xem ra những người hâm mộ bóng đá ở Trung Quốc đã quá lo xa, bởi thực tế cho thấy việc nhập quốc tịch Trung Quốc chẳng hề dễ dàng gì. Theo tờ China Daily, trong năm 2013, chỉ có 7.300 người nước ngoài nhận được cái gọi là thẻ xanh.
Và cho dù Trung Quốc có đặc biệt ưu ái cho các cầu thủ ngoại được nhập tịch, thì không chắc là họ có thu hút được những ngôi sao sân cỏ. Mà nếu có làm được điều đó đi chăn nữa, thì họ cũng phải cần thêm nhiều năm nữa mới hái được quả ngọt.
Hơn nữa, Trung Quốc hiện vẫn không chấp nhận việc công dân mang hai quốc tịch, có nghĩa là một khi nhập tịch Trung Quốc, cầu thủ ngoại buộc phải từ bỏ quốc tịch hiện có của mình. Trong khi đó, nhiều cầu thủ xin đổi quốc tịch chỉ là để có cơ hội được thi đấu ở các đấu trường quốc tế, chứ không phải là vì lòng trung thành đối với quốc gia mà họ xin nhập tịch.
Còn về những cầu thủ nước ngoài đang chơi ở các giải vô địch Trung Quốc, cũng chẳng mấy ai mong muốn trở thành người bản địa, phần lớn đều ra đi sau vài năm tích lũy được một số tiền kha khá.
Chính ông Zhang Jian cũng cho rằng việc cho phép cầu thủ ngoại nhập tịch không phải là phép màu giúp bóng đá Trung Quốc nhanh chóng thăng hoa: "Chúng ta cần phải bỏ ngay cái suy nghĩ cho rằng việc cho phép nhập tịch cầu thủ ngoại sẽ giúp cải thiện thành tích của đội tuyển quốc gia. Một cầu thủ đến Trung Quốc không thể lập tức được chọn ngay vào đội tuyển quốc gia. Anh ta phải gia nhập và chơi cho một CLB trước, và anh ta
còn cần phải thật sự hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng nữa".
HOÀNG ANH