Rất ngẫu nhiên, cùng thời điểm, từ Premier League đến V-League, HLV hai đội thua ở 2 giải này đã phản ứng quyết liệt trước quyết định của trọng tài sau khi đã kiểm tra VAR.
HLV Nguyễn Thành Công của đội Hà Tĩnh sau trận thua Viettel 0-1 tối qua 4.11 đã nhận định quả phạt đền cho Viettel mở tỷ số, cũng như phủ nhận bàn thắng gỡ hòa 1-1 của Hà Tĩnh là hai quyết định không chính xác của trọng tài Trần Ngọc Nhớ. Từ đó HLV Công đánh giá thấp năng lực trọng tài Nhớ và cho rằng đội Hà Tĩnh thua bởi trọng tài.
Cũng tối hôm qua, sau trận thua Newcastle 0-1, HLV Mikel Arteta của Arsenal cho rằng việc VAR công nhận bàn thắng của Newcastle tại vòng 11 Premier League là quyết định ô nhục, xấu hổ.
Trước khi Gordon đệm bóng vào khung thành trống của Arsenal có 3 tình huống gây tranh cãi từ bàn thắng này: trước khi Joe Willock của Newcastle tạt bóng vào trung lộ, Joe kiểm soát được bóng khi quả bóng dường như đã lăn ra hẳn ngoài đường biên ngang cuối sân; Joelinton đánh đầu bóng chạm vào Gabriel bật ra để Gordon đưa bóng ghi bàn thắng duy nhất, nhưng trước đó Joelinton đã dùng cả hai tay đẩy Gabriel từ phía sau; Gordon có lẽ đã việt vị.
Nhưng bất chấp 3 điều ấy, đặc biệt là tình huống phạm lỗi rất rõ của Joelinton, trọng tài cùng tổ VAR sau khi kiểm tra vẫn công nhận bàn thắng.
Đây không phải là lần đầu tiên Arsenal bị bất lợi trước quyết định của trọng tài sau khi đã có sự hỗ trợ của VAR, khi mùa trước các trọng tài Premier League đã sai lầm khiến Arsenal có đến 4 trận bị mất điểm.
Nhà giàu cũng vẫn sai sót
Công nghệ VAR cung cấp cho trọng tài những góc máy chiếu chậm tốt nhất để xem lại các tình huống gây tranh cãi mà trọng tài không kịp theo dõi. Có nghĩa là, khi có nhiều máy quay, trọng tài sẽ được cung cấp nhiều góc quay thuận lợi để xem đi xem lại nhiều lần, từ đó trọng tài sẽ có quyết định chính xác hơn.
Công nghệ VAR bắt đầu được FIFA áp dụng chính thức tại World Cup 2018. Mỗi trận đấu có 33 máy quay đặt quanh sân. Theo thống kê của FIFA, nhờ có VAR, quyết định của các trọng tài có độ chính xác là 99,3%, cao hơn hẳn so với 95% trước đó.
Nhiều máy quay không chỉ giúp trọng tài có dữ liệu tốt nhất để kiểm tra trước khi đưa ra quyết định mà thời gian kiểm tra cũng nhanh hơn. Các trọng tài ở V-League thường mất quá nhiều thời gian để trao đổi, kiểm tra cùng với tổ trọng tài VAR, bởi vì mỗi trận đấu ở V-League có VAR chỉ được lắp đặt tối đa 8 máy quay.
Ít máy quay, chỉ bằng ¼ so với quốc tế, nên các trọng tài Việt Nam cần nhiều thời gian hơn, đồng thời quyết định cuối cùng chưa thể đạt tỷ lệ chính xác tối đa.
Đứng quên rằng, cả 5 giải vô địch quốc gia giàu có hàng đầu châu Âu và cũng là của thế giới gồm Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Pháp, các trọng tài vẫn có những quyết định sai dù đã kiểm tra VAR và được tổ trọng tài điều hành VAR tư vấn.
Cùng cảm thông chia sẻ khi còn nghèo
V-League không thể so sánh về mọi mặt với các giải vô địch châu Âu dùng VAR khi họ đầu tư nhiều máy quay, phòng điều hành với các trang thiết bị hiện đại, cao cấp nên kinh phí vận hành cho VAR rất cao.
Tuy nhiên, khoản đầu tư này sẽ do các CLB thi đấu ở các giải sử dụng VAR chi trả. Các đội trả không cào bằng mà được chia theo thứ hạng. Đội có vị trí càng cao sẽ phải trả càng nhiều.
Như Brazil, dù có nhiều tranh cãi khi LĐBĐ Brazil công bố phí vận hành VAR mỗi mùa lên đến 6,2 triệu USD, nhưng các CLB buộc phải chi trả khoản này.
5 giải Anh, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ý tuy không công bố con số chính thức để vận hành VAR, nhưng các đội cũng phải chia sẻ khoản chi trả này.
Giải láng giềng với V-League là MFL (giải vô địch Malaysia) đã được LĐBĐ Malaysia công bố chi phí lắp đặt, khởi động hệ thống VAR của giải là 9,7 triệu ringgit, tương đương 50 tỉ đồng. Chi phí cao vì phải đầu tư cơ sở hạ tầng, vì vậy từ năm thứ hai chỉ còn chi khoảng 3,2 triệu ringgit (hơn 16 tỉ đồng).
Đây là những con số được Giám đốc điều hành MLF Datuk Stuart Ramalingam công bố khi MFL chỉ sử dụng 6 máy quay ở mỗi sân, và tương lai sẽ tăng dần số máy quay nếu mọi chuyện thuận lợi.
Từ chuyện bóng đá thế giới xa và gần, chúng ta sẽ hiểu rằng, khi các CLB ở V-League không chia sẻ kinh phí vận hành VAR, đồng thời mỗi trận có tối đa 8 máy quay, rõ ràng không thể phủ nhận nỗ lực tốt nhất có thể của Ban tổ chức V-League.
Dĩ nhiên chúng tôi không muốn nói VAR nhà giàu còn sai sót huống chi VAR nhà nghèo sẽ còn phải đón nhận nhiều sai sót hơn thế. Chúng tôi cũng không nói các đội V-League không thể có ý kiến khi được miễn phí dùng VAR, khác với người ra trả tiền nên mới có ý kiến. Ở đây có một thực tế không ai phủ nhận, đó là từ khi có VAR, dù chỉ mới thuở ban sơ, nhưng các quyết định của trọng tài qua VAR ở V-League đã giảm thiểu được rất nhiều sai sót, do đó các đội ở V-League cũng nên chia sẻ khó khăn chung từ trọng tài cho đến BTC V-League.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, BTC V-League cũng cần phải chia sẻ với các CLB.
Tại Premier League, khi xảy ra sai sót của trọng tài dù đã kiểm tra VAR, ngay lập tức hoặc trong thời gian sớm nhất có thể, trưởng ban trọng tài Premier League đã lên tiếng xin lỗi, thậm chí còn cung cấp băng ghi âm cuộc hội thoại giữa các trọng tài để chứng minh sự trong sạch. Còn tất cả trọng tài liên quan đến quyết định sai làm ảnh hưởng kết quả trận đấu sẽ bị kỷ luật, đồng thời được thông báo công khai, khác với trước đây thường dấu kín danh tính trọng tài bị kỷ luật.
Do đó, nếu BTC V-League học theo cách nói và làm ngay như BTC Premier League, chúng tôi tin chắc, sự giận dữ, ấm ức của các CLB sẽ được giải tỏa ít nhiều, bởi kinh phí hoạt động cùng sự mong đợi của các lãnh đạo, nhà đầu tư cũng như cổ động viên của các đội bóng là vô cùng lớn, nếu không muốn nói là không thể cân đong đo đếm.
Do đó chúng ta cũng phải thông cảm đến sự bùng nổ nhiều khi không thể kiềm chế của các đội bóng khi phải hứng chịu từ những quyết định không chính xác của các trọng tài, vì những quyết định sai này có khi không chỉ ảnh hưởng đến kết quả trận đấu mà nhiều khi còn quyết định đến số phận của đội bóng trong cả mùa bóng.
Vì vậy, trong bối cảnh V-League - con nhà nghèo dùng VAR - giải pháp tốt nhất là các bên cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn, trong đó vai trò cầm cân nẩy mực của BTC V-League là quan trọng nhất. BTC có công minh liêm chính, có thưởng phạt nghiêm minh, thì nỗi oan ức của các đội ở V-League, nếu có, cũng sẽ được giảm đi phần nào quặn đau.