Trên bục giảng, cô giáo chẳng có nổi một tà áo dài thướt tha, không một bông hoa (dù là hoa rừng) cắm trong lọ bỏ lên bàn dù là những ngày giáp 20.11. Bông hồng đơn độc và 4 đứa trẻ được chia ra 2 lớp. Áo quần chúng đang mặc có lẽ nếu để đóng phim tả cảnh nghèo khó, đạo diễn cũng khó mà tìm ra được những bộ cánh như vậy. 

Bông hồng đơn độc và 4 đứa trẻ ở đỉnh núi mù sương

Một Thế Giới | 20/11/2014, 06:33

Trên bục giảng, cô giáo chẳng có nổi một tà áo dài thướt tha, không một bông hoa (dù là hoa rừng) cắm trong lọ bỏ lên bàn dù là những ngày giáp 20.11. Bông hồng đơn độc và 4 đứa trẻ được chia ra 2 lớp. Áo quần chúng đang mặc có lẽ nếu để đóng phim tả cảnh nghèo khó, đạo diễn cũng khó mà tìm ra được những bộ cánh như vậy. 

Sâu trong hẻm núi, nơi đầu nguồn con sông Đakđrinh tuôn chảy; nơi tiếng thở người Kadong lạnh buốt rơi tõm xuống con nước sau tiếng chào nhau ở bên Kon Tum vọng qua Quảng Ngãi trong những sớm mai đầy sương muối; nơi đó, có một cô giáo trẻ héo hon vì tình riêng nhưng lại da diết với tình yêu thương con trẻ…
Cô giáo mà tôi nói đến là Đinh Thị Thiết (SN 1983). Cô Thiết người dân tộc Kadong. Người Kadong cư trú nhiều ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi).
Lớp nghèo trên đồi Ngọc Zét

Ngày tôi lên, trời Sơn Tây sẫm mù sau cơn mưa núi bất chợt. Một cán bộ phòng giáo dục huyện Sơn Tây dẫn đường tôi vào điểm trường xóm ông Du (thôn Đak Doa, xã Sơn Liên, nơi chỉ cách đất Kon Tum một cây cầu) là nơi cô giáo Thiết đang công tác.

Bong hong don doc va 4 dua tre
 Núi thường lở bất ngờ trên đường vào điểm trường. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Từ năm 2012 đến nay, cô Thiết phần lớn sống ngay tại điểm trường này và nhận nuôi dạy 11 đứa trẻ người Kadong.

Quãng đường từ trường chính Sơn Liên vào tới xóm ông Du chỉ có hai cách, đi bộ hoặc đi đò trên hồ thủy điện Đakđrinh. Nhưng đi đò rất nguy hiểm nên cách duy nhất là cuốc bộ chừng hai tiếng đồng hồ.

Khó để diễn tả con đường núi nó nguy hiểm như thế nào. Tưởng tượng thế này, cái đoạn cua mà chúng tôi vừa lết qua vài bước chân, bỗng vách núi trượt ầm xuống hàng chục khối đất đá. Trời tạnh còn thấy được hình hài con đường là những khe nước sâu hoắm, những dốc đứng nham nhở đá lô nhô, những ‘hố tử thần’ toác hoác vì đất sụt. Còn trời mưa, khỏi đi. 
Nhưng đó là chuyện thường ngày ở đây, còn với những người, dù đi về vùng sâu vùng xa nhiều như tôi thì vẫn là một nỗi ám ảnh.
Thở khô phổi rồi chúng tôi cũng vào được tới điểm trường. Đó là một ngôi nhà cấp bốn đáng đã bỏ (thường gọi là nhà hoang ở đồng bằng) nằm trên đồi Ngọc Zét. Phóng mắt xung quanh, chỉ thấy vài nóc nhà lô nhô dưới những lùm cây ở xa và mênh mông núi rừng. 
"Đây vừa là lớp học vừa là nhà của mấy cô", anh chuyên viên ở phòng giáo dục huyện giới thiệu.
Bong hong don doc va 4 dua tre
 Hai lớp học 4 đứa trẻ. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Lớp học đặc biệt pha lẫn giữa những âm thanh đọc bài theo tiếng phổ thông và lí nhí những đoạn thoại tiếng bản địa.

Bốn đứa trẻ cao thấp cách nhau vài centimet ngồi cùng dãy bàn học, mặt chúng cúi gầm sát mặt bàn để viết chữ vì cái bàn cao quá, chân chúng phải đứng chạm dưới đất. 
Lâu lâu, Đinh Văn Phá, một trong số 4 đứa trẻ lại thả bút quẹt vội hai hàng nước mũi chảy loăng ngoăng sắp dính tờ giấy. Váng nước mũi đen ố trượt từ lỗ mũi dính thêm một lớp trên má kéo dài ra sát mang tai.

Bộ sách vở cũ mèm như bộ áo quần lem luốc đủ thứ màu đất đỏ quện bùn non. Áo quần chúng đang mặc có lẽ nếu để đóng phim tả cảnh nghèo khó, đạo diễn cũng khó mà tìm ra được những bộ cánh như vậy.

Điểm trường có một phòng học, một phòng để nấu ăn và nằm ngủ. 4 đứa trẻ được chia ra hai lớp. Đinh Văn Hình, Đinh Văn Chui (đều sinh năm 2007) thuộc lớp 2E. Đinh Thị Duyên và Đinh Văn Phá (cùng sinh năm 2008) thuộc lớp 1D. Sỹ số 4, vắng 0.

Trên bục giảng, cô giáo cũng chẳng có nổi áo dài thướt tha, không một bông hoa (dù là hoa rừng) cắm trong lọ bỏ lên bàn dù là những ngày giáp 20.11.

Mẹ Kadong

Vùng Sơn Tây Quảng Ngãi vẫn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Người Kadong vẫn sống và kiếm ăn theo bản năng. Dọc những triền núi mà tôi đi ngang qua, người Kadong sau khi gieo lúa rẫy, vẫn phải cúng thần và dựng chòi ở lại canh chờ lúa nảy mầm. 
Một quan niệm cho rằng, gieo lúa phải cúng, và kiêng cữ bất cứ ai chạm vào vùng đất rẫy vừa mới gieo trong vài ngày, thần mới cho cơm.

Thế nên, việc học ở những vùng sâu này cũng như cúng thần trồng lúa. Thậm chí, thầy Nguyễn Ngọc Huề, hiệu trưởng trường THCS Sơn Liên còn kể rằng, việc cha mẹ các em học sinh Kadong lên xin tiền, xin gạo nhà trường vẫn thường xuyên có; trường dù khó khăn nhưng nếu không cho thì phụ huynh sẽ không cho con em đến lớp.

Gốc là người bản địa, nắm được phong tục tập quán của người dân tộc mình. Cô giáo Đinh Thi Thiết đã tình nguyện về giảng dạy trên đỉnh Ngọc Zét mong sao người đồng bào mình đổi thay nhờ con chữ để thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu.

Bong hong don doc va 4 dua tre
 Một giờ lên lớp của cô trò trên đỉnh Ngọc Zét. Ảnh: Lê Đình Dũng.
Thiết kể: "Em về dạy ở đây từ năm 2012. Từ đó đến nay em nhận nuôi và dạy học 11 em, cùng ở xóm ông Du này. Từ năm 2013 đến nay, 8 em đã chuyển lên lớp trên, còn 4 em đang học lớp 1, 2 ở đây". 
"Vì sao em nhận nuôi?". "Ở trên này bà con không mặn mà gì cho con học hành, chúng thường phải lên rẫy với cha mẹ từ lúc rất nhỏ. Muốn có được một lớp học đầy đủ, hằng ngày em phải leo hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác để gọi và xin cha mẹ chúng cho về học. 
Em không có nổi sức leo núi nên quyết định nuôi hẳn chúng luôn để tiện học hành. Cha mẹ các em cũng chẳng quan tâm nhiều, miễn sao là chúng có ăn’.
Những đứa trẻ mà Thiết nhận nuôi thì đứa nào cũng có hoàn cảnh khổ như nhau. Nhà em Đinh Văn Hình có 6 anh em thì chết một. Hiện tại cha mẹ đã bỏ nhau. Nhà Đinh Văn Chui thì cả cha mẹ đều bị điên, 4 đứa con bơ vơ. 
Đinh Văn Phá sinh ra đã thấy cha suốt ngày uống rượu, mẹ bị bệnh nặng. Bố mẹ cô bé Đinh Thị Duyên thì đánh nhau thường xuyên, mẹ bỏ Duyên đi khi còn nhỏ.
Bong hong don doc va 4 dua tre
 Gia đình những đứa trẻ như Đinh Văn Phá đều có bi kịch. Ảnh: Lê Đình Dũng.

"Chúng vui lắm. Cứ nói thích ở với cô Thiết vì ăn no, có đồ mặc; về nhà thì bữa có thì ăn bữa không thì nhịn", Thiết kể.

Một tháng, lương giáo viên vùng cao của Thiết khoảng 6 triệu đồng. Tiền ăn uống của mấy cô trò khoảng 2 triệu/tháng. Ở đây ăn uống đắt đỏ. Đắt từ những trái ớt mà tôi thấy rơi vương vãi do xe của những người bán hàng xóc vãi khi leo qua những đoạn đường trồi sụt.

"Thế ngoài cơm ăn thì áo mặc, rồi lúc đau ốm ai lo cho chúng", tôi hỏi. "Thì em cũng phải lo thôi, cha mẹ chúng cũng chẳng quan tâm với lại cũng chẳng có tiền. Mỗi đứa đều có tiền hỗ trợ dụng cụ học tập của nhà nước nhưng đến tháng là cha mẹ chúng nhận về uống rượu, mình khuyên để mua gạo nhưng cũng chẳng được. Áo quần thì lâu lâu em lại dẫn mấy đứa lội bộ xuống huyện mua".
Thiết chia sẻ, cha mẹ em ở tận Sơn Dung, cũng có hỏi em sao phải khổ cực nuôi mấy đứa như vậy. "Nhưng em cũng chỉ biết cười thôi. Rồi lại xách bì gạo của nhà lên nấu cơm cho mấy đứa".
Bong hong don doc va 4 dua tre
 Miếng ăn-con chữ, cái nào cũng đói với trẻ Kadong. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Có lẽ, với những đứa trẻ này, như thế đã là người mẹ tuyệt vời với chúng. Ở mái nhà bệ rạc dưới hỏm đồi, những bữa đói triền miên đã là nỗi ám ảnh nên chúng hầu như không muốn về. Nhưng rồi mai này, những con chữ mà chúng cố gắng học xong để được ăn hôm nay sẽ còn tuyệt vời hơn thế.

Đinh Văn Hình, nói chưa sỏi tiếng Việt, lí nhí: "Thích ở với cô Thiết lắm". Chỉ từng đó, là tất cả tình cảm của một đứa trẻ thốt ra. Nhưng trong ánh mắt của những đứa trẻ còn rất sợ người lạ này, thì có lẽ cái yêu thương với người mẹ - cô giáo của chúng chan chứa lắm.

Bông hồng đơn độc và 4 đứa trẻ

Bong hong don doc va 4 dua tre
 Còn dạy học là em còn nhận nuôi những đứa trẻ này, Thiết nói. Ảnh: Lê Đình Dũng.

Đinh Thị Thiết là số ít người con Kadong đi học đại học. Tốt nghiệp sư phạm Hóa tại trường ĐH Sư phạm Huế, Thiết về quê và lên đỉnh Ngọc Zét này.

Tâm sự về cuộc sống riêng tư, mắt Thiết đượm buồn: "Ra trường năm 2011, em cưới chồng. Hai vợ chồng sống với nhau cũng chẳng được mấy vì em phải công tác trên này. Chồng em cứ một mực bảo em chuyển về và không cho nuôi mấy đứa vì nhà không có điều kiện. 
Em cũng bảo chồng cố gắng một thời gian nhưng rồi anh ấy bỏ đi. Không giữ được nhau, em chỉ còn dồn hết tình cảm cho mấy đứa trẻ".
Đêm, mấy cô trò ngủ trong căn phòng chật chội cạnh lớp học. Trong trái tim người giáo trẻ, có lẽ còn thổn thức và trống vắng lắm. Nhưng rồi nghĩ đến những "đứa con" nghèo đói, túng chữ, cô gái người Kadong lại mạnh mẽ gác lại tình riêng. 
Thiết nói mình "buồn chuyện tình cảm, nhưng có duyên chắc sẽ gặp ai đó". Còn bây giờ thì chỉ tập trung dạy học thôi. 
"Còn dạy học là em còn nhận nuôi những đứa trẻ này. Vì chỉ có vậy chúng mới có được con chữ. Em không đành lòng để chúng rồi lại tiếp nối cảnh đời cha mẹ chúng, rượu chè, mê tín, bệnh tật… những người cùng dân tộc mình", Thiết nói.
Lê Đình Dũng
CLIP ĐANG ĐƯỢC XEM NHIỀU:

>> Xúc động với clip bố quay con gái từ khi sinh ra đến khi 14 tuổi

Một ông bố đã chụp chân dung cô con gái mình trong suốt 14 năm và tạo thành một đoạn phim độc đáo. Đoạn phim bố quay con gái từ khi sinh ra đến khi 14 tuổi này đã được đăng tải trên YouTube và nhận nhiều sự chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bông hồng đơn độc và 4 đứa trẻ ở đỉnh núi mù sương