“Giờ cháu tôi không đi được, chỉ bò nên phải bố trí ăn ngủ gần nhà vệ sinh cho tiện. Hai con của nó cũng theo mẹ, ngủ gần nhà vệ sinh...", một người thân của thiếu phụ thiếu may mắn kể.
Trang kể, năm 17 tuổi cô đón nhận cú sốc lớn của cuộc đời khi mẹ mất vì bạo bệnh, cha sau đó lấy vợ khác rồi không đoái hoài gì đến con gái.
Tá túc nhà dì ruột là cô giáo mầm non, Trang phụ việc cho cậu có cơ sở làm đồ nhôm. Tại đây, cô quen thợ nhôm quê Phụng Hiệp (Hậu Giang) rồi kết hôn, có với nhau 2 con (trai 11 tuổi, gái 6 tuổi).
Sau đó vợ chồng thuê nhà ở trọ ở nhưng hạnh phúc bên hai con. 5 năm trước cô tiếp tục đón nhận cú sốc thêm lần nữa khi tay chân bắt đầu teo tóp, bụng to ra, không ăn uống được nhiều.
Người chồng thấy vợ bệnh tật đã không cảm thông mà xa lánh rồi bỏ Trang. Cô phải khăn gói quay lại nhà dì cùng 2 con đang tuổi ăn học.
Lúc này dì Trang là bà Huỳnh Ngọc Mai đã nghỉ hưu, lương mỗi tháng lĩnh hơn 3 triệu đồng nhưng đứa cháu bệnh tật mỗi lần nhập viện phải chi trên 10 triệu đồng. Sợ hai con của Trang thất học, bà Mai lần lượt bán tài sản của gia đình vừa cho 2 bé đến trường, vừa trị bệnh cho Trang.
“Giờ cháu tôi không đi được, chỉ bò nên phải bố trí ăn ngủ gần nhà vệ sinh cho tiện. Hai con của nó cũng theo mẹ, ngủ gần nhà vệ sinh. Đứa lớn ốm yếu, đứa nhỏ kém thị lực, cố lo đến đâu hay đến đó”, bà Mai nói.
Theo hàng xóm, cậu của Trang dù có sơ sở nhôm nhưng những năm gần đây ế khách. Ông này giúp bà Mai tiền chữa trị cho Trang nhưng bệnh tình không giảm. Trong lần nhập viện gần đây Trang được bác sĩ chẩn đoán suy tim 2 lá, tăng áp phổi, viêm dạ dày và viêm phổi.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Lê Thanh Vũ, trưởng khóm 2, phường 4, TP.Sóc Trăng cho biết bà ngoại Trang là gia đình chính sách. Giờ đây trong sổ danh bộ dì và cậu Trang không thuộc danh sách hộ nghèo. Vì vậy, trước giờ cô trị bệnh đều do gia đình tự lo.
“Chúng tôi sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh của Trang, nếu được địa phương sẽ đề nghị về trên cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho Trang”, ông Vũ nói.