Roi điện, súng phóng điện, kiềm chích điện… đủ loại mẫu mã nguỵ trang như những chiếc điện thoại di động đang được vô tư mua bán và sử dụng. Gần đây, khá nhiều vụ phạm pháp hình sự xảy ra do các đối tượng dùng những vũ khí, thiết bị này để gây án.
Ngụy trang
Theo một số người chuyên mua bán thiết bị điện tử các loại từ Trung Quốc về TP.HCM, các công cụ hỗ trợ có giá gốc khá hời, chỉ bằng ¼ thậm chí thấp hơn nhiều lần giá thị trường “đen”. Theo lý giải, giá mặt hàng này đẩy lên cao là do có nhiều rủi ro từ việc thiết bị hư hỏng phải bảo hành đổi trả cho khách và cả chuyện không an toàn về mặt pháp lý, bị bắt không chỉ mất hàng mà còn bị xử phạt tùy theo số lượng hàng nhiều hay ít.
Chiều 15-11, khi liên lạc với ông Hùng ( Q.Tân Phú), ông cho chúng tôi biết luôn có sẵn nhiều dụng cụ tự vệ, trong đó mặt hàng bán chạy nhất hiện nay là roi điện nhỏ gọn chỉ bằng bao thuốc lá và đèn pin phóng điện. Hùng bảo:” Em ở khu công nghiệp Tân Bình, nếu muốn lấy hàng thì anh qua, em giao cho anh cũng được”. Hùng hẹn khách đến chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) sẽ có người mang hàng tới.
Đủ loại hàng “ độc”
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Thượng tá Đoàn Ngọc Minh, Phó trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC46) Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua PC46 tổ chức nhiều cuộc vận động người dân giao nộp các loại vu khí quận dụng, hung khí và công cụ hỗ trợ… Sau khi người dân giao nộp, PC46 đã tổ chức tiêu hủy hàng ngàn loại hung khí, công cụ hỗ trợ như mã tấu, kiếm, dao, dùi cui…
Việc người dân tự ý mua, bán hay sử dụng các loại công cụ hỗ trợ là vi phạm về pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Qua công tác tuần tra kiểm soát, kiểm tra hành chính, lực lượng công an quận, huyện đã bắt và xử lý nhiều trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ trái phép. Những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hà Hải – Đoàn luật sư TP.HCM- cho biết pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: chỉ những tổ chức thuộc quân đội, công an… hoặc những công ty có tư cách pháp nhân mới được phép mua, sử dụng công cụ hỗ trợ.
Một số công ty có pháp nhân như các công ty bảo vệ có thể mua, sử dụng công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, để mua, sử dụng công cụ hỗ trợ, các tổ chức đều phải làm hồ sơ xin phép mua và phải khai báo rõ về số lượng và mục đích sử dụng công cụ hỗ trợ. Đồng thời họ phải mua đúng nguồn chính thức từ những công ty, tổ chức được cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ. Mỗi loại công cụ hỗ trợ được bán ra từ những công ty này đều có đóng số hiệu, nhằm mục đích quản lý chặt chẽ việc sử dụng.
Dùng hàng độc đi ăn cướp
Đầu tháng 11-2014, Công an Huyện Củ Chi (TP.HCM) đã lập hồ sơ xử lý băng nhóm cướp tài sản gồm bốn đối tương do Lương Công Minh (26 tuổi , ngụ Q. Gò Vấp) giữ vai trò chủ chốt.
Theo hồ sơ ban đầu, băng nhóm này cùng nhau thực hiện ba vụ cướp trên địa bàn huyện Củ Chi. Thủ đoạn của băng nhóm này là dùng roi diện chích vào người đang lưu thông trên đường đêm vắng để khống chế cướp tài sản là túi xách, xe máy.
Theo phân công sẵn, đồng bọn chở Minh giấu roi điện trong áo khoác, khi gặp “con mồi mồ côi” (nạn nhân đi xe máy một mình trên đường vắng), Minh cùng đồng bọn áp sát nhanh chóng cầm roi điện chích vào người nạn nhân. Do bị chích điện bất ngờ nên nạn nhân không kịp trở tay, Minh cùng đồng bọn mau chóng cướp tài sản rồi tẩu thoát mất hút trong đêm. Sau khi cướp được, nhóm này lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi, qua khám xét tại nơi ở của Minh công an thu giữ một biển số xe máy là vật chứng vụ cướp, sáu cây mã tấu các loại. Ngoài ra, công an thu giữ thêm của Minh hai roi điện, một dao xếp và một bình xịt hơi cay. Ban đầu Minh dùng roi điện, bình xịt hơi cay cùng các cây mã tấu để tham gia các trận xô xát ẩu đả, sau đó sử dụng roi điện vào các vụ khống chế người đi đường để cướp tài sản.